* Hàn Quốc ứng dụng AI đánh giá mức độ tập trung tại ga tàu điện ngầm
Ngày 5/6, TP Yokosuka của Nhật Bản đã chính thức sử dụng chatbot ChatGPT trong hoạt động hành chính, sau khi kết quả thử nghiệm 1 tháng cho thấy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) này giúp cải thiện hiệu quả công việc và giảm giờ làm.
Thành phố Yokosuka, tại tỉnh Kanagawa, phía nam thủ đô Tokyo đã trở thành chính quyền địa phương đầu tiên tại Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm sử dụng AI tạo sinh.
Trong quá trình thử nghiệm, các nhân viên đã sử dụng công cụ AI này để lập bảng tin, tóm tắt nội dung cuộc họp, biên tập tài liệu và một số công việc khác. Chính quyền TP Yokosuka ước tính việc tiếp tục sử dụng ChatGPT sẽ giúp giảm giờ làm ít nhất 10 phút/ngày.
Thị trưởng TP Yokosuka, Katsuaki Kamiji lạc quan rằng công cụ này sẽ giúp giảm chi phí lao động, do đó việc áp dụng AI vào công tác hành chính là quan trọng. Tuy nhiên, gần một nửa số nhân viên tham gia khảo sát bày tỏ không hài lòng với độ chính xác của các phản hồi từ ChatGPT.
Để cải thiện kỹ năng, TP Yokosuka sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia và tổ chức cuộc thi về cách đưa ra câu lệnh chuẩn nhất để chatbot có thể phản hồi chính xác. Chatbot là ứng dụng được thiết kế để sử dụng lượng lớn dữ liệu từ Internet, giúp các phần mềm này có thể phản hồi và trò chuyện với người dùng. Phản hồi của chatbot dựa trên các hướng dẫn và câu hỏi của người dùng.
Trước những quan ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin từ việc dùng ChatGPT, chính quyền TP Yokosuka khẳng định không cho phép các nhân viên cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng phần mềm này.
Tuần trước, Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân của Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu OpenAI - công ty phát triển ChatGPT - không thu thập thông tin cá nhân nhạy cảm như hồ sơ y tế, tư pháp, mà không có sự đồng thuận của người dùng.
Cơ quan này cũng cảnh báo các cơ quan hành chính về nguy cơ vi phạm quyền riêng tư khi nhập thông tin cá nhân vào chatbot.
* Trung tâm Phân tích Dữ liệu Tổng hợp thuộc Bộ Hành chính và an toàn Hàn Quốc cho biết từ tháng 8 tới nước này sẽ triển khai thử nghiệm ứng dụng mô hình phân tích nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá mức độ tập trung tại sân ga tàu điện ngầm theo thời gian thực.
Căn cứ vào dữ liệu phân tích thông tin thẻ giao thông theo thời gian thực của hành khách ở ga tàu điện ngầm, thời gian tàu đến ga và rời đi, diện tích của sân ga, mô hình này sẽ tự động tính toán được số người đang tập trung tại một sân ga và mật độ tập trung.
Mô hình đang được triển khai thử nghiệm để phát triển tại 12 nhà ga tàu điện ngầm, trong đó có một số ga trọng điểm với mật độ người sử dụng cao trên tuyến nối Seoul và sân bay Gimpo Goldline.
Theo tiến độ đề ra, từ tháng 9, người dân Hàn Quốc có thể theo dõi tình hình tập trung tại các bến tàu điện ngầm thông qua ứng dụng chính thức của Công ty Tàu điện ngầm Đô thị Seoul (Seoul Metro).
Mức độ tập trung ở các nhà ga sẽ được hiển thị tại các bảng điện tử ngay lối vào ga tàu nhằm giúp người dân chủ động tránh sử dụng ga tàu trong giờ cao điểm.
Để giảm bớt mật độ giao thông trên tuyến đường sắt quá tải nối giữa Seoul và sân bay Kimpo, từ đầu tháng này, Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động một số lượng lớn xe buýt trong giờ cao điểm và dành riêng một làn đường cho xe buýt.
Biện pháp này được đưa ra sau khi tuyến đường sắt Kimpo thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải trong giờ cao điểm, nhiều hành khách phản ánh về tình trạng ngạt thở trên tàu.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)