LHQ và các đối tác tiếp tục hỗ trợ các gia đình phải sơ tán do giao tranh ở Sudan cũng như các cộng đồng tiếp nhận họ.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric đã đưa ra tuyên bố trên ngày 26/5 và cho biết Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) hiện đã cung cấp lương thực cho hơn 600.000 người chịu ảnh hưởng của xung đột kể từ khi tái triển khai công tác viện trợ nhân đạo ở Sudan.
WFP đã tiếp cận được khoảng 180.000 người tại ba trong số năm bang ở khu vực Darfur gồm Bắc Darfur, Nam Darfur và Đông Darfur. Dự kiến, WFP sẽ bắt đầu phân phối hàng viện trợ ở Trung Darfur trong những ngày tới. WFP cũng đã nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo ở bang Blue Nile, miền Đông Nam Sudan, từ ngày 26/5.
Theo người phát ngôn Dujarric, các nhân viên cứu trợ nhân đạo đang tận dụng mọi khoảng thời gian tạm lắng của cuộc xung đột để cung cấp hàng cứu trợ cho những người chịu ảnh hưởng ở nhiều khu vực khác nhau tại Sudan.
Trong hai tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận tám báo cáo mới về các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế, nâng tổng số các vụ tấn công như vậy lên 38 kể từ khi đợt giao tranh này bùng phát ở Sudan hôm 15/4 vừa qua. Ông Dujarric cho biết vẫn xảy ra một số vụ đụng độ bất chấp thỏa thuận ngừng bắn.
Trong một diễn biến liên quan, Ngày 26/5, Jordan thông báo rằng nhà riêng của Đại sứ nước này tại thủ đô Khartoum của Sudan đã bị tấn công và phá hoại.
Bộ Ngoại giao và Kiều dân Jordan xác nhận vụ tấn công xảy ra khi Đại sứ Saed Radaideh và các nhân viên Đại sứ quán đang ở thành phố Port Sudan và không gây thương vong.
Bộ trên lên án và tố cáo mọi hình thức bạo lực và phá hoại, đặc biệt là những hành vi vi phạm sự tôn nghiêm của các cơ quan ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng các quy tắc của luật pháp và các thỏa thuận quốc tế có liên quan, đặc biệt là Công ước Vienna về ngoại giao.
Đầu tháng này, Đại sứ quán Jordan tại Sudan cũng đã bị các phần tử lạ mặt đột nhập và phá hoại. Trong những tuần gần đây, Đại sứ quán của các nước Qatar, Ả-rập Xê-út, Kuwait, Oman và Thổ Nhĩ Kỳ tại Sudan cũng đã bị tấn công.
Trong khi đó, cùng ngày, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Yassin Ibrahim Yassin kêu gọi các binh sĩ đã giải ngũ và bất kỳ ai có khả năng mang vũ khí đến căn cứ quân sự gần nhất để trang bị vũ khí nhằm mục đích tự vệ.
Ông cũng nhấn mạnh cam kết của quân đội Sudan đối với thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo nhằm bảo vệ dân thường và tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo, đồng thời cáo buộc nhóm bán quân sự Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) tiếp tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Xung đột leo thang ở Sudan sau những bất đồng giữa người đứng đầu quân đội Abdel Fattah al-Burhan, người cũng đứng đầu Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp, và người đứng đầu RSF Mohamed Hamdan Dagalo, cấp phó của tướng al-Burhan trong hội đồng quân sự nói trên.
Những vấn đề chính gây căng thẳng giữa hai bên liên quan đến thời gian và phương pháp thống nhất các lực lượng vũ trang của Sudan, cũng như việc bổ nhiệm tổng tư lệnh quân đội.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về tình hình Sudan công bố ngày 24/5, Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) cho biết cuộc xung đột tại nước này đã khiến hơn 1,36 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có gần 320.000 người đã trốn sang các quốc gia láng giềng.
Bộ Y tế Sudan thông báo ít nhất 730 người đã thiệt mạng, dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Những người ở lại Khartoum đang phải chịu cảnh thiếu điện và nước sinh hoạt, không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo TTXVN/Vietnam+