Bão Mocha quét qua Myanmar và Đông Nam Bangladesh hồi đầu tuần này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu trẻ em và gia đình tại 2 quốc gia này, trong đó nhiều người phải sống trong tình cảnh khốn khó.
Trong báo cáo công bố ngày 16/5, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết bão Mocha đổ bộ vào bờ biển Myanmar và Bangladesh đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, cơ sở y tế, trường học cùng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng khác tại các quốc gia này.
Dù cơn bão đã qua đi nhưng vẫn có nguy cơ làm phát tán ra cộng đồng các bệnh lây truyền qua đường nước trong vài ngày tới.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Mocha là người tị nạn sống trong các trại tị nạn đông đúc tồi tàn và những người phải di dời chỗ ở đến những vùng khó tiếp cận.
Tại Myanmar, hơn 16 triệu người, trong đó có 5,6 triệu trẻ em, nằm trên đường đi của Mocha khi cơn bão đổ bộ vào bang Rakhine, miền Tây nước này, ngày 14/5 vừa qua.
Còn tại Bangladesh, nơi có trại tị nạn lớn nhất thế giới tại thành phố Cox’s Bazar, 1 triệu người Rohingya đã bị ảnh hưởng của cơn bão, một nửa trong số đó là trẻ em. Những người này phải sống trong những lán trú ẩn tạm thời, chật chội và luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở đất.
UNICEF cho biết đang phối hợp với các đối tác địa phương nhằm điều phối và cung cấp hàng viện trợ tại Myanmar và Bangladesh, bao gồm nước sạch, sản phẩm vệ sinh, các sản phẩm sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và các biện pháp bảo vệ trẻ em nhằm đẩy nhanh tốc độ cứu trợ tại 2 quốc gia này.
Bão Mocha cùng bão Fani hồi tháng 5/2019 là 2 cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận ở khu vực Bắc Ấn Độ Dương. Các nhà khoa học cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa những nỗ lực quản lý thiên tai nhằm giảm thiểu số người thiệt mạng do bão gây ra những năm gần đây.
Các nhà khoa học dự báo tần suất và cường độ gia tăng của các cơn bão trong tương lai sẽ là rủi ro lớn mà Bangladesh phải đối mặt trong nhiều thập niên tới.
Theo TTXVN/Vietnam+