* Big Tech nỗ lực nhận nhãn an ninh mạng của Liên minh Châu Âu
Áo sẽ cấm các nhân viên chính phủ sử dụng ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok trên điện thoại phục vụ công việc.
Thông báo này được Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner đưa ra ngày 10/5 sau khi nhiều nước cũng có động thái tương tự.
Nhiều nước trong đó có Anh, Mỹ và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhân viên làm việc cho chính quyền sử dụng TikTok vì các lo ngại về an ninh. Hai thể chế hoạch định chính sách lớn của EU cũng đã ra lệnh cấm sử dụng ứng dụng này từ tháng 3.
Phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp nội các hằng tuần, Bộ trưởng Nội vụ Áo nêu rõ ứng dụng TikTok sẽ bị cấm sử dụng trên các điện thoại di động phục vụ công việc trong các cơ quan chính phủ. Những điện thoại cá nhân không thuộc mạng làm việc nội bộ có thể được sử dụng ứng dụng này.
TikTok là ứng dụng thuộc sở hữu của Công ty ByteDance (Trung Quốc). Thời gian gần đây, chính phủ và cơ quan quản lý tại nhiều nước đã tăng cường giám sát sử dụng ứng dụng này dẫn các lo ngại về lạm dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.
* Amazon, Google, Microsoft và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây không thuộc Liên minh châu Âu (EU) khác đang nỗ lực nhận được nhãn an ninh mạng của EU để xử lý các dữ liệu nhạy cảm thông qua liên doanh với một công ty có trụ sở tại EU.
Theo văn bản dự thảo của EU, những "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ (Big Tech) và những tập đoàn khác tham gia vào liên doanh chỉ có thể nắm giữ số cổ phần thiểu số và những nhân viên có quyền truy cập vào dữ liệu của EU sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc cụ thể và phải nằm trong khối 27 quốc gia này.
Văn bản trên cho rằng dịch vụ đám mây phải được vận hành và duy trì từ EU, đồng thời tất cả dữ liệu khách hàng của dịch vụ đám mây cũng cần được lưu trữ và xử lý tại EU. Bên cạnh đó, luật của EU sẽ được ưu tiên hơn các luật ngoài khối liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ đám mây.
Dự thảo trên liên quan đến chương trình chứng nhận của EU nhằm đảm bảo an ninh mạng cho các dịch vụ đám mây và xác định cách chính phủ và doanh nghiệp trong khối chọn nhà cung cấp cho hoạt động kinh doanh của họ.
Các điều khoản mới cho thấy mối lo ngại của EU về sự can thiệp từ các quốc gia ngoài EU, nhưng có thể làm dấy lên sự chỉ trích từ những "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ do quan ngại về việc bị loại khỏi thị trường châu Âu.
Một nguồn tin trong ngành cho biết dự thảo mới có thể phân mảnh thị trường chung của EU khi mỗi quốc gia có toàn quyền áp đặt các yêu cầu bất cứ khi nào họ thấy phù hợp.
Phòng Thương mại Mỹ từng cảnh báo dự thảo đặt các công ty Mỹ vào thế bất bình đẳng. Tuy nhiên, EU cho rằng các quy định mới là cần thiết để bảo vệ quyền dữ liệu và quyền riêng tư của khối. Các nước EU sẽ xem xét dự thảo vào cuối tháng này, sau đó Ủy ban châu Âu sẽ thông qua kế hoạch cuối cùng.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)