Các chuyên gia y tế Malaysia cảnh báo nước này đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 mới bùng phát sau dịp nghỉ lễ Hari Raya, lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Hồi giáo.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Giáo sư khoa virus học thuộc Đại học Putra Malaysia, ông Chee Hui Yee khuyên mọi người nên xét nghiệm COVID-19 nếu thấy triệu chứng nghi ngờ và tự cách ly nếu kết quả xét nghiệm dương tính, đồng thời tránh tiếp xúc cũng như đến nơi đông người.
Một số chuyên gia khác cũng đưa ra lời khuyên với người dân về việc cần tự xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại làm việc sau dịp nghỉ lễ Hari Raya Aidifitri.
Giáo sư dịch tễ học Awang Bulgiba Awang Mahmud cho biết kết quả các xét nghiệm có tỷ lệ dương tính hiện “rất cao”.
Số liệu thống kê riêng trong ngày 22/4 cho thấy có đến 562 trường hợp dương tính, chiếm 22,4% trong số 2.503 xét nghiệm được thực hiện. Ông cảnh báo người dân không nên xem thường làn sóng COVID-19 đang quay trở lại.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Malaysia, TS Zaliha Mustafa cho biết 12 trường hợp biến thể phụ XBB.1.16, còn được gọi là biến thể Arcturus, đã được phát hiện tại nước này.
Tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân đều có các triệu chứng nhẹ và đang trong tình trạng ổn định. Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy số ca mắc COVID-19 đã gia tăng vào thời điểm trước lễ hội Hari Raya Aidilfitri. Cụ thể, số ca nhiễm tăng 87,5% trong khi số ca nhập viện tăng 30,5% và số ca tử vong tăng 25%.
* Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Network Open (Mỹ), hiệu quả của các vắc xin phòng COVID-19 giảm theo thời gian trong ngăn ngừa nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cũng như các triệu chứng bệnh.
Nghiên cứu này đánh giá và phân tích tổng hợp dữ liệu thu thập được từ 40 cuộc nghiên cứu, cho thấy sau 6 tháng kể từ khi hoàn thành các liều tiêm cơ bản, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa nhiễm Omicron và xuất hiện triệu chứng giảm xuống dưới 20%.
Sau 9 tháng kể từ khi tiêm mũi vắc xin tăng cường, hiệu quả ngăn lây nhiễm là dưới 30%, trong khi khả năng ngăn các triệu chứng bệnh chỉ còn khoảng 13%. Cũng theo nghiên cứu nói trên, so với biến thể Delta, hiệu quả của các vắc xin trên đối với biến thể Omicron giảm rõ rệt và nhanh hơn.
Theo bác sĩ John Brownstein, chuyên gia dịch tễ học thuộc Bệnh viện Nhi Boston, kết quả trên không gây ngạc nhiên vì các nhà nghiên cứu đã biết về việc hiệu quả vắc xin suy giảm theo thời gian.
Bác sĩ Brownstein cho rằng không nên hiểu kết quả nghiên cứu đồng nghĩa với việc phủ nhận hiệu quả của vắc xin, thay vào đó nghiên cứu cho thấy vẫn cần tiêm chủng để duy trì sự bảo vệ theo thời gian.
Trước đó, ngày 9/1, nhóm nhà nghiên cứu Israel cho biết liều tiêm tăng cường bằng vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2 và biến thể Omicron do 2 hãng Pfizer và BioNTech hợp tác bào chế để đã giúp giảm mạnh tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân cao tuổi.
Đây là một trong số những bằng chứng đầu tiên chứng tỏ hiệu quả của mũi vắc xin này trên thực tế.
Nghiên cứu do nhóm nhà khoa học của công ty cung cấp dịch vụ y tế Clalit, Đại học Ben-Gurion của Negev và Cao đẳng Sapir tiến hành từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 12/2022.
Tham gia nghiên cứu có 622.701 người trên 65 tuổi đủ điều kiện để tiêm liều tăng cường vắc xin COVID-19 thể lưỡng trị nói trên, trong đó 85.314 người (14%) đã được tiêm mũi vắc xin này.
Kết quả cho thấy tỉ lệ nhập viện ở những bệnh nhân trên 65 tuổi đã được tiêm liều vắc xin tăng cường giảm 81% so với những người đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin, nhưng chưa được tiêm vắc xin thể lưỡng trị.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)