Chính phủ Mỹ có thể không còn tiền để trang trải các nghĩa vụ tài chính và có nguy cơ vỡ nợ sớm, có thể vào đầu tháng 6 tới.
Cảnh báo trên được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra ngày 1/5 trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ vẫn đang tranh cãi về việc nâng trần nợ công.
Tuần trước, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm thế đa số đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu, song Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ phản đối biện pháp này.
Theo giới phân tích, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa quyết tâm thúc đẩy thông qua dự luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng tại Hạ viện để củng cố vị thế của đảng này trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, dự luật này khó có thể được ban hành thành luật do vấp phải sự phản đối của phe Dân chủ kiểm soát Thượng viện và Nhà Trắng. Sự bế tắc này càng làm tăng nguy cơ Chính phủ Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ lần đầu tiên.
Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các nhà lãnh đạo khác, Bộ trưởng Tài chính Yellen nhấn mạnh các ước tính của Bộ Tài chính cho thấy sẽ không thể tiếp tục đáp ứng tất cả nghĩa vụ tài chính của chính phủ vào đầu tháng 6 tới, sớm nhất là vào ngày 1/6, nếu Quốc hội không nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ trước thời điểm này.
Do đó, Quốc hội Mỹ cần hành động càng sớm càng tốt để tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ nhằm mang lại sự chắc chắn lâu dài hơn để chính phủ có thể duy trì khả năng thanh toán.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Phillip Swagel cho biết do các khoản thu thuế đến hết tháng 4 ít hơn so với dự đoán của CBO đưa ra hồi tháng 2, nên Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ cạn tiền vào đầu tháng 6.
Nhà Trắng cho biết cuối ngày 1/5, Tổng thống Biden đã gọi điện cho Chủ tịch Hạ viện McCarthy mời tham dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội, dự kiến vào ngày 9/5 tới.
Một nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Biden đã đề cập việc nâng mức trần nợ công và ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố cùng ngày, ông McCarthy kêu gọi Tổng thống và Thượng viện sớm chấp nhận cắt giảm chi tiêu và ngăn chặn khủng hoảng.
Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỉ USD hồi tháng 1 vừa qua. Bộ Tài chính nước này đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ.
Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên hoặc bị đình chỉ, chính phủ có nguy cơ không thực hiện được các khoản thanh toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Hôm 25/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng cảnh báo việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ công sẽ gây ra "thảm họa kinh tế" và khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới.
Theo bà, việc vỡ nợ sẽ đe dọa những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đạt được từ sau đại dịch COVID-19, dẫn đến mất việc làm, đẩy chi phí các khoản thanh toán hộ gia đình như vay thế chấp, vay mua ôtô và thẻ tín dụng tăng cao.
Bà Yellen lưu ý thêm nếu trần nợ không được nâng lên, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và chính phủ có thể sẽ ngừng cấp khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân và người cao tuổi sống dựa vào an sinh xã hội.
Theo TTXVN/Vietnam+