Ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các phe phái đối địch ở Sudan đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ sau 48 giờ đàm phán căng thẳng, Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã nhất trí thực hiện ngừng bắn trong 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm 24/4 (giờ địa phương). Ông Blinken kêu gọi các bên ở Sudan ngay lập tức tuân thủ và duy trì lệnh ngừng bắn này.
RSF cùng ngày xác nhận lực lượng này đã đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo trong thời gian đình chiến.
Thỏa thuận trên đạt được trong bối cảnh giao tranh tại Sudan đã bước sang tuần thứ hai liên tiếp. Trước đó, cùng ngày 24/4, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang tại quốc gia Bắc Phi có thể “nhấn chìm toàn bộ khu vực”.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, ông Guterres nhận định giao tranh tại Sudan đang diễn biến theo chiều hướng xấu, khi ít nhất 427 người đã thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương trong 10 ngày qua. Ông kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhấn mạnh xung đột tại Sudan tiềm ẩn hệ lụy nghiêm trọng đối với toàn bộ khu vực.
Liên quan chiến dịch sơ tán công dân của các nước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 25/4 cho biết tất cả những người Nhật Bản muốn sơ tán đã rời khỏi Sudan. Ngoài những người được sơ tán trên chiếc máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tám công dân Nhật Bản khác và gia đình của họ đã rời Sudan, hoàn thành công việc sơ tán.
Nhật Bản cũng đã tạm thời đóng cửa đại sứ quán của nước này ở thủ đô Khartoum.
Trong khi đó, một máy bay quân sự của Hàn Quốc đã sơ tán 28 công dân nước này khỏi Sudan, cùng một số công dân Nhật Bản. Phó Giám đốc thứ hai của Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Lim Jong-deuk cho biết những người này được sơ tán trên chiếc máy bay chở hàng C-130 từ sân bay quốc tế mới ở TP Port Sudan - cách thủ đô Khartoum khoảng 850km về phía Đông, đến Jeddah (Ả-rập Xê-út).
Cộng hòa Chad cũng thông báo kế hoạch sơ tán 438 công dân khỏi Sudan theo tuyến đường từ Khartoum đến TP Port Sudan trên biển Đỏ, sau đó đưa họ về nước. Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới dài 1.000km với Sudan vào ngày 15/4 sau khi bạo lực bùng phát.
Bộ Ngoại giao Maroc cho biết nước này đã bắt đầu sơ tán 200 công dân khỏi Sudan, theo đó đoàn xe chở công dân Maroc đã đến thành phố Port Sudan vào tối 24/4. Một cầu hàng không phối hợp với hãng hàng không quốc gia Royal Air Maroc đã được lên kế hoạch để chở 200 công dân của nước này về nước.
Algeria cũng bắt đầu sơ tán các nhân viên ngoại giao và công dân nước này khỏi Sudan. Nước này đã thành lập một đội khẩn cấp để theo sát hoạt động sơ tán các nhân viên ngoại giao và công dân muốn trở về nhà.
Theo TTXVN/Vietnam+