Thứ Ba, 01/10/2024 18:41 CH
Ý đặt thời hạn cho OpenAI để nối lại dịch vụ chatbot ChatGPT
Thứ Năm, 13/04/2023 11:49 SA

Nguồn: Getty Images

Cơ quan bảo vệ dữ liệu Garante của Ý ngày 12/4 đã đặt ra thời hạn để OpenAI đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, qua đó nối lại dịch vụ chatbot ChatGPT ở nước này.

 

Garante thông báo đã đưa ra một loạt các yêu cầu "cụ thể" phải được OpenAI đáp ứng vào cuối tháng 4 này. Khi các yêu cầu này được đáp ứng, Ý sẽ đình chỉ các hạn chế tạm thời đối với việc sử dụng dữ liệu của người dùng và ChatGPT một lần nữa có mặt tại nước này.

 

Ý là quốc gia Tây Âu đầu tiên ban hành lệnh cấm đối với OpenAI, nhưng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ chatbot do công ty này phát triển này đã thu hút sự chú ý từ các nghị sĩ và cơ quan quản lý ở một số quốc gia.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có các quy định mới để quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) vì tác động tiềm ẩn của công nghệ này đối với an ninh quốc gia, việc làm và giáo dục.

 

Ngày 31/3, công ty OpenAI đã buộc phải đình chỉ ChatGPT tại Ý sau khi chính quyền tạm thời hạn chế dịch vụ này và bắt đầu điều tra do nghi ngờ vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư.

 

Cơ quan của Ý cáo buộc OpenAI đã không kiểm soát tuổi của người dùng ChatGPT và chỉ trích việc "không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào" biện minh cho việc thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân khổng lồ.

 

* Bộ Thương mại Mỹ đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ về các quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

 

Đây được cho là bước đi đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm xây dựng các quy tắc đối với các công cụ AI tương tự chatbot ChatGPT.

 

Trong một tuyên bố ngày 11/4, Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh giống như thực phẩm và ôtô, các công cụ AI cũng cần phải được đảm bảo về mức độ an toàn trước khi ra mắt thị trường.

 

Mỹ là “cái nôi” của các nhà đổi mới công nghệ và phát triển AI, trong đó có công ty OpenAI tạo ra ChatGPT, nhưng lại đi sau quốc tế trong việc đưa ra các quy định quản lý ngành này.

 

Tuần trước, Tổng thống Biden đã thúc giục Quốc hội thông qua các dự luật nhằm đặt ra các quy định nghiêm ngặt đối với các công ty công nghệ lớn.

 

Tuy nhiên, các dự luật này được đánh giá là rất ít khả năng được “bật đèn xanh” do sự chia rẽ giữa các nhà lập pháp.

 

Việc thiếu các quy tắc liên quan đến AI đã cho phép các công ty công nghệ Mỹ tự do đưa ra các sản phẩm mới, làm dấy lên lo ngại về các rủi ro do công nghệ này gây ra.

 

ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ" sau khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái. Ứng dụng sử dụng thông tin văn bản đã có sẵn trên mạng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận.

 

Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 3/2023, ChatGPT đã thu hút khoảng 150 triệu người dùng, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.

 

Ngày 30/11/2022, OpenAI - một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã chính thức cho người dùng đăng ký trải nghiệm miễn phí ChatGPT, một ứng dụng phần mềm được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người. Đây là sự phát triển mới nhất của dòng AI tạo văn bản - GPT (Generative Pre-training Transformer).

 

GPT (Generative Pre-training Transformer) là một mạng lưới thần kinh AI (ANNs) được đào tạo trên khối lượng lớn văn bản trực tuyến để tạo ra các phản hồi tự nhiên, giống con người. Do đó, nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cấp đại học, giải thích các khái niệm khoa học ở nhiều cấp độ…

 

Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT đã khiến mọi người kinh ngạc và thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Công cụ chatbot tiên tiến này đã nhanh chóng đạt được 1 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày phát hành, thần tốc hơn cả hai ứng dụng mạng xã hội hàng đầu là TikTok và Instagram.

 

Nhờ thành công đáng kinh ngạc của ChatGPT, một số công ty thậm chí đã bắt đầu học cách tích hợp chatbot này với sản phẩm của họ. Kể từ đó, phạm vi tiếp cận của ChatGPT không ngừng tăng lên, đẩy lui suy nghĩ của nhiều người rằng nó sẽ sớm lụi tàn.

 

Theo các chuyên gia, sở dĩ ChatGPT “làm mưa làm gió” ngay khi xuất hiện bởi không như nhiều chatbot chỉ có thể trả lời các câu hỏi cơ bản, ChatGPT có khả năng thực hiện đối thoại với người lạ, trả lời câu hỏi, viết thơ, văn, kịch bản, bài luận... Bên cạnh đó, chatbot này còn có thể giải thích nhiều câu hỏi phức tạp như người thật, hay giúp các lập trình viên tìm lỗi trong mã họ viết.

 

Điều ấn tượng nhất khiến cho ChatGPT trở nên nổi tiếng là khả năng hiểu và sử dụng ngữ cảnh. AI này có thể thực hiện các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên như con người. Do đó, ChatGPT có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện dài và khiến người dùng có cảm giác như đang thực sự nói chuyện với một người, chứ không phải với một cỗ máy.

 

Đặc biệt, ChatGPT có thể được đào tạo bằng cách sử dụng phản hồi của người dùng. Công nghệ này sẽ xác định được mong muốn của mỗi nhân vật trước khi đặt câu hỏi.

 

Một số người dùng ban đầu đã mô tả mô hình này như một giải pháp thay thế cho Google vì có khả năng cung cấp các mô tả, câu trả lời và giải pháp cho các câu hỏi phức tạp bao gồm cách viết code và giải quyết các vấn đề về bố cục cũng như truy vấn tối ưu hóa.

 

ChatGPT có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như sáng tạo nội dung cho các trang web, trả lời các câu hỏi của khách hàng, cung cấp các gợi ý, tạo chatbot tự động, phát hiện hoặc thậm chí là sửa các lỗi lập trình. Công cụ này đặc biệt gây ấn tượng với các chuyên gia về khả năng sáng tạo nội dung, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp nhưng lại dễ sử dụng.

 

Tuy nhiên, hiện có nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Đức... quan ngại tại nhiều về tính bảo mật của ứng dụng này.

 

Trong khi đó, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo rằng các đối tượng tội phạm sẵn sàng lợi dụng AI như các bot hội thoại để thực hiện hành vi lừa đảo và vụ phạm tội trực tuyến khác.

 

Tỉ phú Elon Musk, người sáng lập OpenAI nhưng hiện không còn là thành viên hội đồng quản trị, và hàng trăm chuyên gia toàn cầu đã kêu gọi tạm dừng nghiên cứu 6 tháng về các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4, phiên bản mới nhất được phát triển dựa trên ChatGPT, do quan ngại "rủi ro sâu sắc đối với xã hội và nhân loại".

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek