Ngày 11/4, Mỹ chính thức gửi văn bản chấp nhận Hiệp định về trợ cấp nghề cá và trở thành thành viên thứ 4 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia đánh bắt cá lớn đã chấp nhận hiệp định này.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết việc Mỹ chính thức chấp nhận đánh dấu một thời điểm quan trọng cho việc sắp có hiệu lực của thỏa thuận mang tính bước ngoặt về tính bền vững của đại dương.
Bà Okonjo-Iweala khẳng định mong muốn được tiếp tục hợp tác với Mỹ để đảm bảo rằng WTO đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người.
Về phần mình, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định Hiệp định về trợ cấp nghề cá là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên lấy tính bền vững môi trường làm cốt lõi.
Hiệp định sẽ giúp cải thiện cuộc sống của ngư dân và người lao động tại Mỹ và các nơi khác và Washington mong muốn xây dựng thỏa thuận này với các thành viên WTO khác.
Được thông qua với sự đồng thuận tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) tổ chức tại Geneva từ ngày 12-17/6/2022, Hiệp định về trợ cấp nghề cá đặt ra các quy tắc đa phương, ràng buộc mới nhằm hạn chế các khoản trợ cấp có hại, vốn là yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm trên diện rộng nguồn lợi thủy sản của thế giới.
Ngoài ra, Hiệp định công nhận nhu cầu của các nước đang phát triển và kém phát triển nhất (LDCs) và thành lập một Quỹ hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực để giúp họ thực hiện các nghĩa vụ.
Hiệp định cấm hỗ trợ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cấm hỗ trợ đánh bắt các nguồn lợi bị đánh bắt quá mức và chấm dứt trợ cấp cho đánh bắt cá trên các vùng biển không được kiểm soát.
Các thành viên cũng đồng ý tại MC12 tiếp tục đàm phán về các vấn đề còn tồn đọng, nhằm đưa ra các khuyến nghị của MC13 về các điều khoản bổ sung nhằm tăng cường hơn nữa các nguyên tắc của Hiệp định.
Sau hơn 20 năm đàm phán, WTO đã nhất trí gói thỏa thuận thương mại lịch sử về vấn đề trợ cấp cho nghề đánh bắt cá.
Thỏa thuận cấm các khoản trợ cấp góp phần đánh bắt cá bất hợp pháp hoặc đánh bắt quá mức, đe dọa tính bền vững của nguồn cá trên hành tinh, đồng thời nhất trí các quy chế miễn trừ đặc biệt đối với các nước đang phát triển.
Để thỏa thuận này có hiệu lực, cần có sự phê chuẩn của 2/3 số thành viên của WTO. Trước đó, mới chỉ có Singapore và Thụy Sĩ thực hiện điều này.
Theo TTXVN/Vietnam+