Thứ Tư, 02/10/2024 09:36 SA
Châu Âu siết chặt giám sát ChatGPT
Thứ Năm, 06/04/2023 18:47 CH

Biểu tượng công cụ ChatGPT của công ty OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN

* OpenAI có nguy cơ bị kiện vì thông tin sai lệch trên ChatGPT

 

Khiếu nại đầu tiên là của cô Zoe Vilain, thành viên nhóm Janus International. Trong đơn khiếu nại, cô Vilain cho biết khi tìm cách đăng ký tài khoản của ChatGPT, cô đã không được yêu cầu đồng ý với bất kỳ điều khoản sử dụng hoặc chính sách quyền riêng tư nào.

 

Trong khi đó, David Libeau, một nhà phát triển, khẳng định đã tìm thấy thông tin cá nhân khi hỏi ChatGPT về hồ sơ của mình. Khi anh yêu cầu chatbot này cung cấp thêm thông tin, thuật toán đã bắt đầu bịa ra những câu chuyện, tạo ra trang web hoặc tổ chức các sự kiện trực tuyến giả.

 

Hiện CNIL vẫn chưa thông báo mở cuộc điều tra sau khi tiếp nhận các khiếu nại trên.

 

ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ", sau khi được ra mắt vào tháng 11/2022. Ứng dụng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận, thậm chí có thể giúp học sinh - sinh viên vượt qua các kỳ thi khó. Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 1/2023, ChatGPT đã có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.  

 

Tuy nhiên, những khả năng vượt trội này của ChatGPT cũng gây tranh cãi trong dư luận khi các giáo viên lo ngại rằng học sinh-sinh viên sẽ sử dụng ứng dụng này để gian lận khi làm bài thi, còn các nhà hoạch định chính sách lo ngại nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch.

 

Vào ngày 31/3 vừa qua, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Italy thông báo đã chặn các hoạt động của chatbot ChatGPT tại nước này, với lý do ứng dụng đã không tôn trọng dữ liệu người dùng và không thể xác minh tuổi của người dùng. Giới chức một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Ireland và Đức đã thảo luận với Italy nhằm cân nhắc biện pháp tương tự.

 

Nỗi lo ngại không chỉ giới hạn ở châu Âu khi Văn phòng các vấn đề quyền riêng tư của Canada (OPCC) ngày 4/4 quyết định mở cuộc điều tra đối với công ty OpenAI.  OPCC nêu rõ việc tiến hành điều tra được thực hiện sau khi văn phòng này tiếp nhận các đơn khiếu nại về việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân mà chưa có sự đồng ý của người dùng.

 

* Công ty OpenAI, chủ sở hữu ứng dụng ChatGPT, đang đối mặt với nguy cơ bị kiện tại Australia liên quan đến thông tin trên ChatGPT cho rằng một thị trưởng ở bang Victoria từng “ngồi tù vì tội nhận hối lộ”. Đây có thể là vụ kiện đầu tiên nhằm vào ứng dụng ngôn ngữ tự động đình đám của công nghệ công nghệ Mỹ liên quan đến hành vi “phỉ báng” người khác.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ông Brian Hood, Thị trưởng khu vực địa phương Hepburn Shire ở bang Victoria, tuyên bố sẽ khởi kiện OpenAI nếu công ty này không đính chính thông tin sai sự thật trên ChatGPT cho rằng ông từng nhận hối lộ trong vụ bê bối liên quan đến một công ty con của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương Australia) vào đầu những năm 2000.

 

Các luật sư đại diện của ông Brian Hood cho biết thực tế là ông từng làm việc cho công ty in tiền Note Printing Australia, song ông là người đã thông báo cho nhà chức trách về các hoạt động hối lộ giữa công ty với các quan chức nước ngoài để giành hợp đồng in tiền, trái với thông tin mà ứng dụng ChatGPT đưa ra.

 

Các luật sư cho biết họ đã gửi một lá thư bày tỏ lo ngại tới chủ sở hữu ChatGPT là OpenAI vào ngày 21/3, trong đó đề nghị OpenAI khắc phục những lỗi sai về thông tin trong vòng 28 ngày, nếu không sẽ phải đối mặt với một vụ kiện “xúc phạm danh dự người khác”.

 

Đến nay, công ty có trụ sở tại San Francisco, Mỹ vẫn chưa hồi đáp bức thư pháp lý của ông Hood. Nếu ông Hood khởi kiện, đây có thể là lần đầu tiên một cá nhân kiện chủ sở hữu ChatGPT liên quan đến những sản phẩm ngôn ngữ tự động do ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) này đưa ra.

 

ChatGPT là ứng dụng được sử dụng ngày càng phổ biến và đã được Microsoft tích hợp vào công cụ tìm kiếm Bing của mình hồi tháng 2 vừa qua.

 

Ông James Naughton, đối tác tại công ty luật Gordon Legal của ông Hood, cho rằng đây có thể là thời điểm mang tính bước ngoặt, đánh dấu bước đầu áp dụng “luật phỉ báng” vào một lĩnh vực mới như AI và các ấn phẩm trên không gian mạng.

 

Theo luật pháp Úc, chi phí bồi thường thiệt hại do làm tổn hại danh dự của người khác lên tới 400.000 AUD (tương đương 268.410 USD).

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek