* Chính phủ Hà Lan cấm cài đặt TikTok trên điện thoại công vụ
Giám đốc điều hành của TikTok Shou Zi Chew cho biết nền tảng video và mạng xã hội của Trung Quốc này đang đối mặt với “thời khắc quan trọng” khi ngày càng có nhiều nghị sĩ Mỹ tìm cách cấm ứng dụng này do những lo ngại về an ninh quốc gia.
Trong một video đăng trên TikTok, ông Chew cho biết ứng dụng này hiện có hơn 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Mỹ, chiếm khoảng một nửa dân số nước này và cao hơn nhiều so với mức 100 triệu người dùng vào năm 2020.
Bên cạnh đó, ông Chew cho biết 5 triệu doanh nghiệp Mỹ cũng đang sử dụng TikTok để tiếp cận khách hàng. Ông Chew, người sẽ điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ vào ngày 23/3, lưu ý rằng nhiều chính trị gia đang muốn cấm TikTok. Trong số này có Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Cathy McMorris Rodgers. Gần đây, sáu thượng nghị sĩ Mỹ đã ủng hộ một dự luật lưỡng đảng về việc cấm TikTok.
Trước đó, hồi đầu tháng này, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cũng bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Joe Biden ban hành lệnh cấm với TikTok.
Vì thế, ông Chew kêu gọi người dùng TikTok để lại bình luận về điều mà họ muốn các nghị sĩ Mỹ biết về những thứ mà họ yêu thích từ TikTok, và video này đã nhận được hàng nghìn bình luận ủng hộ.
Những người phản đối TikTok lo sợ rằng dữ liệu về người dùng tại Mỹ có thể được ứng dụng này chuyển cho Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, TikTok đã bác bỏ mọi cáo buộc gián điệp đối với nền tảng này.
Tuần trước, TikTok cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu các cổ đông Trung Quốc của công ty này giảm lượng cổ phần nắm giữ, nếu không TikTok có thể bị cấm tại Mỹ.
Đáp lại, TikTok cho rằng nếu muc tiêu đặt ra là bảo vệ an ninh quốc gia, thì việc giảm cổ phần theo yêu cầu nói trên sẽ không giải quyết được vấn đề, vì sự thay đổi trong tình trạng sở hữu sẽ không tạo ra những hạn chế mới đối với dòng dữ liệu hay khả năng tiếp cận ứng dụng này. Trước đó, TikTok cho biết đã chi hơn 1,5 tỉ USD cho các nỗ lực đảm bảo an toàn dữ liệu.
* Sau quyết định tương tự của nhiều nước châu Âu khác, Chính phủ Hà Lan vừa thông báo những người làm việc trong các cơ quan chính phủ sẽ không được phép cài ứng dụng TikTok trên điện thoại làm việc của họ.
Bộ Nội vụ Hà Lan cũng cho biết bộ này khuyến cáo nhân viên chính phủ không cài vào điện thoại làm việc tất cả các ứng dụng đến từ "những nước có chương trình mạng nhắm vào Hà Lan hoặc lợi ích của nước này".
Tháng 2 vừa qua, cơ quan tình báo Hà Lan đã liệt kê một số nước có chương trình mạng gây ra nguy cơ gián điệp.
Trước đó, chính phủ nhiều nước châu Âu cũng có động thái tương tự. Mới đây nhất, Bỉ quyết định cấm nhân viên chính phủ liên bang cài đặt ứng dụng TikTok của Công ty ByteDance (Trung Quốc) trên các máy tính và điện thoại công vụ của họ.
Anh cũng thông báo cấm cài đặt ứng dụng chia sẻ video ngắn này trên các thiết bị của cơ quan nhà nước và chính phủ.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, cũng trong ngày 21/3, Cơ quan chống độc quyền của Ý thông báo đã mở một cuộc điều tra ứng dụng TikTok vì nền tảng này được cho là vi phạm các quy tắc khi cho phép đăng tải “nội dung nguy hiểm” như kích động tự tử, tự làm hại bản thân và theo chế độ ăn kém dinh dưỡng.
Nhà chức trách Ý cho rằng trên nền tảng này có rất nhiều video quay cảnh những người trẻ tuổi thực hiện hành vi tự làm hại bản thân.
Theo cơ quan giám sát, TikTok "thiếu các hệ thống phù hợp để giám sát nội dung do bên thứ ba xuất bản" và vi phạm các nguyên tắc của chính TikTok về việc xóa nội dung nguy hiểm.
Cơ quan chống độc quyền cũng điều tra việc khai thác các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo có khả năng "gây ra tình trạng quá mức" đối với người dùng của TikTok.
Theo cơ quan này, cuộc điều tra liên quan đến chi nhánh Ireland của TikTok, chịu trách nhiệm về quan hệ khách hàng châu Âu, cũng như các chi nhánh tại Anh và Ý.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)