Ngày 13/3, Nga đã nhất trí gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen trong thời gian 60 ngày. Thông báo trên được Moscow đưa ra sau cuộc đàm phán với các quan chức LHQ về vấn đề này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nêu rõ do tính chất “trọn gói” của các thỏa thuận được ký tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đề xuất, phía Nga không phản đối việc gia hạn thỏa thuận, nhưng chỉ trong 60 ngày, sau khi thời hạn thứ hai hết hạn vào ngày 18/3 tới.
Ông nhấn mạnh rằng Moscow sẽ xác định quan điểm tiếp theo của mình, tùy thuộc vào tiến độ thực sự trong việc cung cấp các sản phẩm của Nga ra thị trường thế giới.
Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới vào cảnh thiếu lương thực.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 tại TP Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp nối lại việc cung cấp lương thực và phân bón từ 2 nước này ra thị trường toàn cầu.
Thỏa thuận được gia hạn thêm 120 ngày hồi tháng 11/2022 và sẽ được gia hạn tiếp sau ngày 18/3 tới đây. Thỏa thuận được cho là sẽ giúp xuất khẩu nông sản từ Nga và Ukraine ra thế giới.
Ngoài ra còn có một biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Nga và LHQ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga với thời hạn 3 năm.
Phía Nga nhiều lần tuyên bố Moscow chỉ đồng ý gia hạn nếu các lệnh hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu của chính nước này được dỡ bỏ.
Theo Moscow, Nga đã tuân thủ tất cả điều kiện để tàu chở ngũ cốc của Ukraine rời cảng ở Biển Đen, nhưng Liên hợp quốc vẫn chưa loại bỏ "chướng ngại vật" từ các lệnh cấm vận của phương Tây, cản trở xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng hầu hết ngũ cốc Ukraine dành cho những quốc gia nghèo hơn đang được xuất khẩu sang phương Tây, không phải các nước châu Phi.
Theo LHQ, tính đến nay, hơn 24,1 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu theo thỏa thuận này.
Theo TTXVN/Vietnam+