Ngày 10/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã dỡ bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc.
Quyết định có hiệu lực đối với hành khách đến Mỹ trên các chuyến bay khởi hành từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macao.
Quy định này cũng có hiệu lực với hành khách đến Mỹ từ một số sân bay ở các nước khác, trong đó có Sân bay quốc tế Incheon ở Seoul, Hàn Quốc; Sân bay quốc tế Toronto Pearson và Sân bay quốc tế Vancouver ở Canada.
Như vậy, từ ngày 10/3, trước khi lên chuyến bay đến Mỹ, hành khách đến từ Trung Quốc và các sân bay được chỉ định sẽ không còn phải xét nghiệm COVID-19 hoặc trình giấy xác nhận đã mắc và khỏi COVID-19.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc bệnh, nhập viện và tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc đang giảm. Nhiều nước cũng đã nới lỏng các biện pháp hạn chế với du khách đến từ Trung Quốc.
Cùng ngày 10/3, tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ cho biết Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của nước này đã cấp phép lưu hành Zavzpret - thuốc dạng xịt do hãng này phát triển, có tác dụng điều trị nhanh chứng đau nửa đầu.
Dự kiến, thuốc sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 7 năm nay. Giám đốc thương mại của Pfizer, bà Angela Hwang, cho biết việc FDA “bật đèn xanh” cho thuốc Zavzpret dạng xịt mũi có thể xem là một bước đột phá quan trọng, cung cấp thêm lựa chọn điều trị thay thế các loại thuốc dạng viên uống hiện nay.
Hãng Pfizer dẫn lời bà Kathleen Mullin, Phó Giám đốc y tế tại Viện Thần kinh học New England (Mỹ), cho biết thuốc Zavzpret có ưu điểm hấp thu nhanh qua đường hô hấp và phù hợp với những người không thể dùng thuốc dạng viên uống do xảy ra nôn hoặc buồn nôn.
Theo kết quả nghiên cứu giai đoạn 3 đối với Zavzpret, thuốc giúp giảm các triệu chứng đau nửa đầu chỉ trong 15 phút. Zavzpret, còn được gọi là Zavegepant, không phải do hãng Pfizer bào chế ra mà là mua lại từ công ty dược Biohaven hồi năm ngoái, với giá khoảng 10 tỉ USD.
Tại Nhật Bản, trước khi quyết định hạ cấp dịch COVID-19 xuống ngang với dịch cúm mùa có hiệu lực vào tháng 5 tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ chính thức nới lỏng quy định về đeo khẩu trang từ ngày 13/3. Tuy nhiên, giới chức tỏ ra khá thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.
Trước đó, ngày 10/2, trong cuộc họp tại trụ sở ứng phó với dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đã thống nhất từ ngày 13/3, việc đeo khẩu trang sẽ do từng cá nhân quyết định, thay vì thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và quy định của từng đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Đối với học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Keiko Nagaoka cho biết mặc dù việc nới lỏng quy định đeo khẩu trang có hiệu lực từ ngày 13/3 nhưng xét thấy đây cũng là thời điểm kết thúc năm học nên các cơ sở giáo dục trong cả nước sẽ áp dụng từ ngày 1/4.
Phát biểu với báo giới ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết cần thông báo rõ ràng để người dân không có cảm giác hoang mang, lo lắng khi thực hiện.
Mặc dù về cơ bản việc đeo khẩu trang sẽ do từng cá nhân quyết định, nhưng kiểm soát sự lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 vẫn là quan trọng hàng đầu. Ông cũng khuyến cáo một số trường hợp cần đeo khẩu trang để đảm bảo phòng dịch hiệu quả, gồm người đi khám bệnh ở các cơ sở y tế, người đến thăm các cơ sở y tế hoặc viện dưỡng lão hoặc tham gia các phương tiện giao thông công cộng đông người.
Ngày 10/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết nhìn chung, vấn đề đeo khẩu trang trong nội bộ cơ quan chính phủ sẽ do từng cá nhân quyết định và cũng không quy định bắt buộc đối với người bên ngoài đến liên hệ công tác.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhận thấy cần thiết phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bộ phận có thể cân nhắc đưa ra khuyến cáo đeo khẩu trang đối với nhân viên của mình.
Sự thận trọng trên của Chính phủ Nhật Bản là có cơ sở khi nhiều ý kiến lo ngại rằng việc không đeo khẩu trang có thể khiến người dân chủ quan, làm phức tạp tình trạng lây nhiễm COVID-19 khi lượng khách du lịch nước ngoài tại quốc gia này đang gia tăng mạnh trở lại và các cơ sở y tế, viện dưỡng lão vẫn đang đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là ở các đối tượng có nguy cơ cao bệnh trở nặng, thậm chí là tử vong.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)