Ngày 8/3, chính phủ nhiều nước cam kết hành động mạnh mẽ để giúp cải thiện đời sống của một nửa thế giới trong khi nhiều nhà hoạt động xuống đường tuần hành để kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Chính phủ Canada đã bãi bỏ luật cấm phá thai và cho phép xử lý các hành động khiếm nhã nơi công cộng. Trong khi đó, chính quyền Ireland công bố kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 11 tới về việc xóa bỏ một số nội dung đã lỗi thời trong Hiến pháp.
Nữ Thủ tướng đầu tiên của Ý, bà Giorgia Meloni, cũng chú trọng tới vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế, cho rằng ban điều hành của các công ty nhà nước nên có ít nhất một nhà lãnh đạo nữ.
Tại Nhật Bản, quốc gia xếp thứ 116 trong số 146 nước về bình đẳng giới theo báo cáo toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm ngoái, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nhận định đã có tiến bộ trong cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ, song cần hành động hơn nữa để thay đổi cách nhìn về bình đẳng giới.
Ông thừa nhận vấn đề hiện nay của nước này là người phụ nữ buộc phải cân bằng giữa trách nhiệm công việc và gia đình. Trong khi đó, các giải pháp cho thực trạng này vẫn còn mang tính “nửa vời".
Tại Nga, Ngày Quốc tế Phụ nữ là một trong những ngày lễ được quan tâm và yêu thích nhất. Hiện Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga là bà Valentina Matviyenko, một trong những nữ chính trị gia xuất chúng.
Nhân dịp này, bà khẳng định trên phương diện sinh học, xã hội và văn hóa, nam giới và nữ giới đều là "xương sống" của các cộng đồng. Nhiều cuộc tuần hành và sự kiện khác diễn ra tại các thành phố Paris, Beirut, Baghdad, Karachi, Istanbul, Singapore...
Các hoạt động nhân dịp này nhằm tôn vinh thành tựu của nữ giới, cũng như kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp nỗ lực nâng cao quyền của phụ nữ.
Theo TTXVN/Vietnam+