Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong nghiên cứu mới đây mang tên “Perceive” - do Viện Tim mạch và Tiểu đường Baker ở TP Melbourne và Viện Menzies ở thành phố Hobart của Úc thực hiện - các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm các bài tập thể dục để giúp đẩy lùi các triệu chứng hậu COVID.
Đến nay, nghiên cứu này đang cho thấy kết quả đầy hứa hẹn. Nghiên cứu chỉ ra rằng một chương trình tập thể dục được cá nhân hóa sẽ mang lại hiệu quả trong việc giúp những người bị suy giảm khả năng tập thể dục sau khi mắc COVID-19.
Khoảng 1/4 số người tham gia chương trình thử nghiệm đã thu được những kết quả tích cực, cụ thể họ đã tăng được khoảng 15% số lượng bài tập mà họ có thể thực hiện.
Bác sĩ tim mạch hàng đầu và là nghiên cứu viên chính của chương trình “Perceive", Giáo sư Tom Marwick, cho biết ông rất vui mừng với kết quả này.
Theo ông, các bệnh nội khoa nghiêm trọng đã dẫn đến tình trạng mất sức lực, suy giảm sức khỏe và khả năng tập thể dục. Chương trình tập thể dục mà ông thí điểm sẽ giúp khắc phục những tình trạng nói trên.
Ông cho rằng dù đó không phải là cách chữa trị cho tất cả các triệu chứng hậu COVID, nhưng nhiều người đã thu được lợi ích đáng kể từ chương trình này, ví dụ họ không còn cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản, vốn là những tổn thương mà họ gặp phải sau khi mắc COVID-19.
Các chương trình tập thể dục được cá nhân hóa cho từng cá nhân tham gia, chẳng hạn như đi bộ hoặc đạp xe. Những người tham gia chương trình sẽ được một nhà sinh lý học hướng dẫn và giúp đỡ tập luyện các bài tập thể dục trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cảnh báo rằng tập thể dục không hẳn giúp ích cho tất cả những người có các triệu chứng hậu COVID.
Giáo sư Marwick cho rằng mỗi người sẽ có những bài tập thể dục khác nhau vì khả năng tập thể dục và khả năng tăng cường tập thể dục của mỗi người là khác nhau. Việc này cũng giống như kê đơn và dùng thuốc.
Ông khuyên những người có các triệu chứng hậu COVID không nên tập ngay bài tập mà không có sự giám sát y tế sát sao.
Theo TTXVN/Vietnam+