* Hãng dược Moderna thử nghiệm vắc xin phòng cúm "4 trong 1"
Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã thu được kết quả tích cực trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với thuốc dạng nhỏ mũi điều trị chứng đau nửa đầu.
Nghiên cứu này đã được hội đồng chuyên gia thẩm định và được công bố trên tạp chí The Lancet Neurology ngày 16/2.
Theo hãng Pfizer, thuốc zavegepant của hãng đã chứng tỏ hiệu quả trong điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính và có ít tác dụng phụ rõ rệt.
Kết luận được đưa ra sau khi các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 1.405 người, trong đó 50% dùng một liều thuốc nhỏ mũi này và những người còn lại dùng giả dược.
Loại thuốc nhỏ mũi này được đánh giá giúp giảm đau đáng kể 2 giờ sau khi người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau nửa đầu.
Theo tạp chí The Lancet, cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tiến hành nhằm so sánh hiệu quả, khả năng dung nạp, độ an toàn và thời gian đáp ứng của thuốc zavegepant dạng nhỏ mũi với giả dược trong điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính.
Các nhà khoa học cần tiến hành thêm một số cuộc thử nghiệm để xác nhận độ an toàn cũng như hiệu quả lâu dài và đồng nhất.
Đau nửa đầu là một bệnh lý đau đầu tự phát với các đặc tính cơ bản đau nửa đầu từng cơn, cường độ từ vừa phải đến dữ dội, đau theo mạch đập, đau gia tăng khi hoạt động thể lực, đau tái diễn có chu kỳ, kèm theo buồn nôn hoặc nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn. Đến nay, người mắc chứng đau nửa đầu thường được điều trị bằng các loại thuốc uống.
Năm ngoái, hãng Pfizer đã mua Biohaven - nhà sản xuất thuốc zavegepant cùng nhiều loại thuốc khác trị chứng đau nửa đầu - với giá khoảng 10 tỉ USD.
Hãng Pfizer đã nhiều lần đệ đơn xin Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho thuốc zavegepant dạng nhỏ mũi. Hiện hãng chưa tiến hành thủ tục xin cấp phép sử dụng thuốc này tại châu Âu.
* Dựa trên thành công của công nghệ mRNA sản xuất vắc xin ngừa COVID-19, công ty dược phẩm Moderna (Mỹ) ngày 17/2 thông báo hãng đã hết hợp tiến hành thử nghiệm vắc xin phòng cúm "4 trong 1" sản xuất theo công nghệ này.
Theo thông báo, vắc xin trên phòng ngừa các chủng cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata and B/Victoria. Đây là 4 loại cúm phổ biến cần tiêm phòng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Moderna nêu rõ vắc xin phòng cúm "4 trong 1" của hãng với tên gọi mRNA-1010 có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch đối với các chủng cúm A hiệu quả tương đương hoặc vượt trội hơn những loại vắc xin phòng cúm A đã được cấp phép cho đến nay, tuy nhiên hiệu quả thấp hơn đối các các chủng cúm B.
Chủ tịch Moderna Stephen Hoge đánh giá đây là bước tiến quan trọng phát triển các loại vắc xin phòng cúm dựa trên công nghệ mRNA. Ông tin rằng trong thời gian tới, Moderna có thể cải thiện hiệu quả của loại vắc xin này trong phòng chống cúm B.
Cuộc thử nghiệm vắc xin phòng cúm "4 trong 1" của Moderna đã trải qua 3 giai đoạn với sự tham gia của 6.102 người trưởng thành ở Argentina, Australia, Colombia, Panama và Philippines trong thời gian xảy ra cúm mùa.
Những người tham gia đã được tiêm 1 liều mRNA-1010 hoặc 1 liều vắc xin phòng cúm đã được cấp phép. Moderna cho biết 70% người tiêm mRNA-1010 đã báo cáo các phản ứng phụ như đau đầu, sưng tấy và mệt mỏi so với 48% ở nhóm còn lại. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin này đạt hiệu quả từ 40 đến 60% tùy từng chủng virus.
Moderna và các nhà sản xuất vắc xin khác, trong đó có Sanofi, hy vọng công nghệ mRNA - kích hoạt phản ứng miễn dịch bằng cách đưa các phân tử di truyền chứa mã các bộ phận quan trọng của mầm bệnh vào tế bào người - có thể đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất vắc xin, cũng như nâng cao hiệu quả của vắc xin.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 3-5 triệu ca cúm nặng và khoảng 290.000-650.000 ca tử vong.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)