Trung tâm Hàng không Vũ trụ quốc gia Đức (DLR) ngày 7/2 đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty SpaceIL của Israel nhằm thực hiện sứ mệnh hạ cánh xuống Mặt Trăng, có tên gọi là “Beresheet-2”.
Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn thông tin từ Cơ quan Không gian Israel (ISA) cho biết thỏa thuận hợp tác trên bao gồm nội dung tích hợp thuật toán dẫn đường do DLR phát triển vào dự án Beresheet-2, cho phép tàu vũ trụ của Israel hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Các tàu vũ trụ thuộc dự án Beresheet-2 dự kiến được phóng vào năm 2025, nhằm thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và hoạt động giáo dục tương tác.
Dự án này bao gồm 1 tàu hoạt động trên quỹ đạo và 2 tàu đổ bộ, dự kiến sẽ hạ cánh xuống 2 địa điểm khác nhau trên Mặt Trăng.
* Trong năm 2023, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chương trình thám hiểm Mặt Trăng gồm giai đoạn 4, trong đó có một sứ mệnh mang 2kg mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất.
Ngày 6/2, ông Ngô Vĩ Nhân, kiến trúc sư trưởng của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng, cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục nghiên cứu Mặt Trăng thông qua các sứ mệnh Thường Nga 6, Thường Nga 7 và Thường Nga 8.
Theo kế hoạch, tàu thăm dò Thường Nga 6 sẽ hoàn tất nhiệm vụ đưa mẫu vật đất và đá về Trái Đất, còn tàu Thường Nga 7 sẽ thực hiện sứ mệnh hạ cánh trên cực Nam Mặt Trăng và phát hiện các nguồn nước.
Tàu Thường Nga 8 dự kiến được phóng vào khoảng năm 2028 và sẽ phối hợp với tàu Thường Nga 7 để xây dựng mô hình cơ bản của một trạm nghiên cứu khoa học tại cực Nam Mặt Trăng, trong đó có nhiều thiết bị thăm dò như tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo, tàu đổ bộ, xe tự hành.
Gần đây nhất Trung Quốc thực hiện sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng là phóng tàu Thường Nga 5 vào năm 2020.
Tàu thám hiểm này đã thu thập được tổng cộng 1.731 gram mẫu đất đá từ Mặt Trăng về Trái Đất.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)