Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang có kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết G7 muốn áp dụng 2 mức giá trần cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga kể từ tháng 2 tới, một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức cao và một cho những sản phẩm được giảm giá.
Trước đó, hãng Bloomberg đưa tin dầu mỏ của Nga được bán với giá chỉ bằng một nửa giá hiện nay trên thị trường thế giới và rẻ hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD/thùng do các nước G7 công bố.
Vào ngày 6/1 vừa qua, giá dầu thô Urals tại cảng Primorsk được giao dịch ở mức 37,8 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent chuẩn thế giới là 78,57 USD/thùng.
Bộ Năng lượng Nga đang nghiên cứu các biện pháp bổ sung để hạn chế tình trạng giảm giá dầu của Nga so với giá quốc tế, sau khi phương Tây áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Ả-rập Xê-út, với doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm gần một nửa nguồn thu ngân sách.
Cuối năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trong vòng 5 tháng đối với các quốc gia áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này.
Sắc lệnh còn bao gồm điều khoản cho phép Tổng thống đưa ra các quyết định bất thường về việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ, cũng như được quyền bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt.
Bộ Năng lượng Nga đã được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện lệnh cấm. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7/2023.
Lệnh cấm này là biện pháp đáp trả đối với động thái áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu vận chuyển bằng đường biển của Nga (ở mức 60 USD/thùng) do Liên minh châu Âu (EU) cùng G7 và Australia thống nhất, có hiệu lực từ ngày 5/12/2022.
Theo TTXVN/Vietnam+