Thứ Năm, 03/10/2024 09:42 SA
OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023
Thứ Hai, 26/09/2022 18:08 CH

OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 2,2%, giảm so với mức 2,8% trong dự báo hồi tháng Sáu. Ảnh: THX/TTXVN

* Bloomberg: Phương Tây bên bờ vực khủng hoảng tồi tệ nhất từ năm 1949

 

Ngày 26/9, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo nền kinh tế thế giới trong năm tới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo trước đó do những hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

 

Trong báo cáo mới nhất, OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3%, song lại hạ dự báo trong năm 2023 xuống còn 2,2%, giảm so với mức 2,8% trong dự báo hồi tháng Sáu.

 

Báo cáo của OECD cũng cho thấy triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều bị giảm, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh.

 

Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2023. Trong khi đó, OECD cũng giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc trong năm nay và năm 2023 lần lượt xuống còn 3,2% và 4,7%.

 

Đức là một trong những nước ở châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc xung đột Nga - Ukraine do phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.

 

OECD dự báo nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới khi tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ thu hẹp 0,7% - giảm 2,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

 

Trong khi đó, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói chung sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ít ỏi là 0,3%, giảm mạnh so với mức dự báo trước đó là 1,6%.

 

OECD cho biết tăng trưởng toàn cầu bị đình trệ trong quý 2 năm nay và dữ liệu ở nhiều nền kinh tế "cho thấy một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài". Một số chỉ số thậm chí đã chuyển biến theo chiều hướng xấu đi, khiến triển vọng tăng trưởng toàn cầu trở nên u ám. Tổ chức này cũng lưu ý cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát khi chi phí sinh hoạt đã gia tăng nhanh chóng.

 

Bên cạnh đó, các đợt bùng phát dịch COVID-19 vẫn đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong khi tăng trưởng cũng bị ảnh hưởng do những đợt tăng lãi suất trong bối cảnh các ngân hàng trung ương nỗ lực kiềm chế lạm phát. OECD nâng dự báo lạm phát của G20 lên 8,2% cho năm 2022 và 6,6% cho năm tới.

 

Cũng theo OECD, chính phủ các nước đã công bố các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, các biện pháp tài khóa để bù đắp chi phí năng lượng lại không phát huy hiệu quả.

 

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất, một động thái cần thiết để kiềm chế lạm phát nhưng cũng có nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái. OECD nhấn mạnh việc thắt chặt tiền tệ là một "yếu tố chính khiến tăng trưởng toàn cầu giảm tốc".

 

* Theo Sputnik, hãng tin Bloomberg cho biết Ngân hàng Trung ương các nước phương Tây đang tăng lãi suất nhằm ngăn chặn việc gia tăng lạm phát, khiến thị trường trái phiếu chính phủ sụp đổ.

 

Các chuyên gia từ Bank of America nhận định: "Các thị trường trái phiếu chính phủ trên khắp thế giới đang ở trong tình trạng hoạt động tồi tệ nhất kể từ năm 1949, khi châu Âu đang cố gắng phục hồi từ đống đổ nát sau Chiến tranh Thế giới thứ hai".

 

Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ (FRS) và các Ngân hàng Trung ương khác ở phương Tây đã chấm dứt việc giữ lãi suất cơ bản xung quanh mức số 0 để hỗ trợ nền kinh tế như họ đã làm trong thời kỳ đại dịch. Theo Bloomberg, chính sự đảo chiều này gây ra tác động lớn.

 

Bloomberg lưu ý quyết định tăng lãi suất cơ bản của cơ quan quản lý Mỹ trong tuần vừa qua là đòn nghiêm trọng có tính chất quyết định đánh vào nền kinh tế toàn cầu.

 

Ngày 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, lên mức 3-3,25% mỗi năm. Kể từ tháng Năm vừa qua, cơ quan quản lý Mỹ đã ba lần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng.


Mỹ và các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với mức lạm phát cao chưa từng có trong nhiều thập kỷ nay.

 

Việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow và chính sách từ bỏ nguồn cung cấp nhiên liệu từ Nga đã làm tăng giá nhiên liệu, chủ yếu là khí đốt. Kết quả ngành công nghiệp ở phương Tây mất đi phần lớn lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

 

T.LÊ (Tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek