* Indonesia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin ngừa COVID-19 nội
Theo Yonhap, ngày 29/6, Hàn Quốc phê chuẩn sử dụng vắc xin SKYCovione, vắc xin ngừa COVID-19 nội địa đầu tiên do công ty SK Bioscience phát triển. Đây là bước đi quan trọng hướng tới việc giành được chủ quyền về vắc xin trong cuộc chiến chống đại dịch.
Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) Hàn Quốc thông báo quyết định phê chuẩn sử dụng vắc xin của SKYCovione, còn được gọi là GBP510, thông qua các cuộc tham vấn của Ủy ban Thanh tra cuối cùng thuộc bộ, sau khuyến nghị "phê duyệt mặt hàng" của Hội đồng Các vấn đề dược phẩm Trung ương thuộc MFDS hôm 27/6.
SKYCovione là vắc xin nội địa đầu tiên của Hàn Quốc đã hoàn thành thành công cả ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. SK Bioscience đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên khoảng 4.000 người trưởng thành ở 6 quốc gia - Thái Lan, Việt Nam, New Zealand, Ukraine, Philippines và Hàn Quốc.
* Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 27/6, Indonesia đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Merah Putih (Đỏ Trắng - màu quốc kỳ Indonesia) ngừa COVID-19 do nước này tự nghiên cứu và phát triển, hướng tới cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA).
Phát biểu tại sự kiện, nhà nghiên cứu chính ứng cử viên vắc xin Merah Putih thuộc Đại học Airlangga (Unair) và Công ty PT Biotis, TS Dominicus Husada, bày tỏ hy vọng rằng giai đoạn thử nghiệm cuối cùng này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng tới.
Ông cho biết thêm rằng thử nghiệm sẽ được tiến hành với 4.005 tình nguyện viên, được chia thành ba nhóm, nhằm đánh giá khả năng sản sinh miễn dịch của cơ thể. Hai nhóm đầu sẽ được tiêm vắc xin Merah Putih, trong khi nhóm còn lại sẽ được tiêm các loại vắc xin khác để so sánh.
Về phần mình, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin Merah Putih của Unair, Giáo sư Fedik Abdul Rantam cho biết loại vắc xin này được phát triển từ ngày 12/5/2020 cùng PT Biotis với tư cách là nhà cung cấp các cơ sở thử nghiệm lâm sàng, và sử dụng sử dụng nền tảng virus bất hoạt.
Ông nhấn mạnh rằng việc khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đối với ứng cử viên vắc xin Merah Putih này nằm trong chương trình của chính phủ nhằm sản xuất ngừa COVID-19 trong nước với sự tham gia của một số tổ chức địa phương.
Ngoài Unair, các cơ sở khác cũng đang tham gia nghiên cứu và phát triển các ứng cử viên vắc xin Merah Putih khác bao gồm Đại học Indonesia (UI), Học viện Công nghệ Bandung (ITB), Đại học Gadjah Mada (UGM), Đại học Padjadjaran (Unpad) và Viện Khoa học Indonesia (LIPI).
Người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát thuốc và thực phẩm quốc gia (BPOM) Penny K. Lukito nhấn mạnh rằng vắc xin Merah Putih là niềm tự hào của Indonesia, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba sẽ diễn ra suôn sẻ và vắc xin của Unair sẽ được đăng ký với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến tới xuất khẩu.
Trong khi đó, Vụ trưởng Sản xuất và phân phối dược phẩm thuộc Bộ Y tế Agusdini Banun Saptaningsih khẳng định rằng sự phát triển sản phẩm vắc xin ngừa COVID-19 của Unair là “bước tiến lớn” trong nỗ lực của Indonesia nhằm đạt được độc lập trong lĩnh vực sản xuất vắc xin.
Bà nêu rõ đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống y tế trong nước, đồng thời cho hay ứng cử viên vắc xin “Đỏ Trắng” này có thể được sử dụng để tiêm chủng cho trẻ em.
Trước đó, tại phiên điều trần trước quốc hội vào ngày 31/5, BPOM thông báo vắc xin Merah Putih đã đạt chứng nhận Halal (một loại chứng chỉ xác nhận sản phẩm đạt yêu cầu về các thành phần và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của Luật Hồi giáo) và dự kiến hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba trong tháng Tám trước khi nhận được EUA trong tháng 9 năm nay.
T.LÊ (tổng hợp từ Vietnam+)