Ngày 26/6, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Đức Olaf Scholz đã có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Munich, Đức.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác nhằm hướng tới hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào năm sau khi Nhật Bản giữ chức chủ tịch của nhóm.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thủ tướng Kishida và Thủ tướng Scholz khẳng định sẽ tìm cách làm sâu sắc thêm hợp tác quốc phòng giữa Tokyo và Berlin, đồng thời chuẩn bị cho việc khởi động cuộc họp ngoại trưởng và quốc phòng hai nước theo thể thức 2+2.
Trong một cuộc gặp riêng rẽ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng bày tỏ tin tưởng phải duy trì các biện pháp trừng phạt "mạnh mẽ" đối với Nga để đáp trả hành động gây hấn của nước này ở Ukraine. Họ cũng nhất trí về sự cần thiết của việc mở rộng hỗ trợ cho Kiev.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Pháp nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc giúp đỡ các nước dễ bị tổn thương nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực do cuộc chiến ở Ukraine gây ra và tìm kiếm hợp tác nhiều mặt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trên không gian mạng, không gian vũ trụ và điện hạt nhân.
* Trong diễn biến khác, cùng ngày, một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nêu rõ G7 cần cùng nhau bảo vệ các nền kinh tế trước tình trạng giá cả tăng cao trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh kinh tế và cũng đề nghị G7 giám sát chặt chẽ các động thái tiền tệ vào thời điểm giá đồng yen Nhật giảm mạnh.
Cách thức phản ứng chung đối với vấn đề lạm phát là một trong những chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này.
Thời gian đầu mở cửa hậu đại dịch COVID-19, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều cho rằng lạm phát tăng trở lại chỉ diễn ra trong ngắn hạn khi các hoạt động kinh tế khôi phục sau thời gian trì trệ vì đại dịch. Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng Hai và kéo dài đến nay đã khiến giá cả tăng mạnh hơn.
Trong báo cáo thường niên công bố ngày 26/6, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ bước vào một kỷ nguyên lạm phát cao mới.
Các nguy cơ đình phát (tăng trưởng đình trệ cộng với lạm phát tăng) đang ngày càng hiện rõ khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sau hai năm đại dịch hoành hành, kết hợp với những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, giá cả hàng hóa leo thang và những bất ổn tài chính đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.
T.LÊ (tổng hợp từ Vietnam+)