Thứ Hai, 23/12/2024 09:28 SA
BIS cảnh báo “bóng ma lạm phát đình trệ” đe dọa kinh tế thế giới
Thứ Hai, 27/06/2022 10:18 SA

Người dân mua rau quả tại siêu thị ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

* EU công bố kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 50 tỉ euro

 

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) kêu gọi các ngân hàng trung ương nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề lạm phát cao, với “bóng ma” lạm phát đình trệ (tình trạng kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỉ lệ lạm phát cao) đang rình rập nền kinh tế toàn cầu.

 

Tổng Giám đốc BIS Agustin Carstens nhận định rằng các ngân hàng trung ương sẽ cần hành động nhanh chóng và quyết đoán để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức thấp và ổn định, đồng thời hạn chế tác động đến tăng trưởng kinh tế.

 

Nếu để lạm phát cao trở nên dai dẳng, chi phí để đưa lạm phát quay trở lại tầm kiểm soát sẽ cao hơn. Lợi ích lâu dài của việc duy trì sự ổn định cho các hộ gia đình và doanh nghiệp lớn hơn bất kỳ chi phí ngắn hạn nào.

 

Theo báo cáo của BIS, để khôi phục lạm phát về mức thấp và ổn định, các ngân hàng trung ương nên tìm cách giảm thiểu tác động của lạm phát đến các hoạt động kinh tế, từ đó bảo vệ sự ổn định tài chính.

 

Rất khó để thiết kế một kịch bản “hạ cánh mềm” - giảm lạm phát mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - và các điều kiện hiện nay đang khiến nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn.

 

Ông Carstens nhấn mạnh trong phát biểu tại cuộc họp báo rằng một cái kết êm thấm càng được mong đợi hơn trong bối cảnh hiện nay vì điều này đồng nghĩa rằng việc siết chặt chính sách tiền tệ có thể chỉ cần thực hiện ở mức nhẹ nhàng hơn.

 

Tuy nhiên, ngay cả khi không đạt được kịch bản trên thì ưu tiên hàng đầu vẫn phải là kiềm chế lạm phát để ngăn kinh tế thế giới lao dốc.

 

Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại đại dịch COVID-19, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều cho rằng tình trạng lạm phát tăng chỉ là ngắn hạn khi các hoạt động kinh tế khôi phục sau thời gian trì trệ vì đại dịch. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng Hai đã khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh hơn.

 

BIS cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bước vào một kỷ nguyên lạm phát cao mới. Các nguy cơ lạm phát đình trệ đang ngày càng hiện rõ khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sau hai năm đại dịch hoành hành, kết hợp với những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, giá cả hàng hóa leo thang và những bất ổn tài chính đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.

 

BIS cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải thúc đẩy cải cách để hỗ trợ tăng trưởng lâu dài và đặt nền móng hình thành chính sách tài khóa và tiền tệ bình thường hơn.

 

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 7 và tiếp theo là tháng 9. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994, với mức tăng 0,75 điểm phần trăm, và cho biết Fed sẵn sàng đưa ra mức tăng như vậy một lần nữa vào tháng 7 trong một nỗ lực toàn diện để giảm lạm phát.

 

BIS thành lập năm 1930 tại Basel, thuộc sở hữu chung của 62 ngân hàng trung ương trên thế giới, đại diện cho những quốc gia đang đóng góp tổng cộng 95% tổng GDP toàn cầu.

 

* Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố kế hoạch phát hành 50 tỉ euro (tương đương 52,8 tỉ USD) trái phiếu châu Âu để tài trợ cho chương trình phục hồi NextGenerationEU từ tháng 7 đến tháng 12 tới.

 

Phóng viên TTXVN tại Brussels cho biết mục đích của đợt phát hành trái phiếu châu Âu lần này là nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và giúp xây dựng một châu Âu xanh hơn, kỹ thuật số hơn và linh hoạt hơn.

 

"Trong nửa cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi và tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số cũng như khả năng phục hồi lâu dài của châu Âu thông qua thị trường tài chính", Ủy viên châu Âu về ngân sách và quản lý Johannes Hahn cho biết.

 

Để tài trợ cho NextGenerationEU, EC đã xây dựng kế hoạch huy động khoảng 800 tỉ euro trên thị trường vốn từ giữa năm 2021 đến cuối năm 2026. Trong đó, từ tháng 6/2021 đến nay đã có 118,5 tỉ euro được giải ngân theo chương trình NextGenerationEU.

 

Ngoài ra, EC cũng dự kiến sẽ cấp 9 tỉ euro hỗ trợ Ukraine theo một chương trình hỗ trợ tài chính vĩ mô đặc biệt mới (MFA) kèm các khoản vay khác lên tới 6,6 tỉ euro trong chương trình SURE để giảm thiểu rủi ro thất nghiệp tạm thời.

 

Trước đó trong nửa đầu năm nay, EC đã phát hành 47,5 tỉ euro trái phiếu EU. Đợt phát hành tiếp theo dự kiến sẽ được thực hiện vào ngày 27/6 tới.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek