Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự của liên minh quân sự này ở Đông Âu như một phần của sự thích ứng với thế trận quốc phòng.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu với báo giới trước cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên liên minh trong hai ngày 15-16/6, Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, nhấn mạnh kế hoạch chuẩn bị vũ khí và đạn dược trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên và chỉ định các đơn vị có khả năng triển khai nhanh chóng tại các quốc gia này.
Quyết định này sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức từ ngày 28-30/6 tại Madrid (Tây Ban Nha). Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ thông qua một "khái niệm chiến lược" mới và một gói các biện pháp hỗ trợ cho Ukraine.
Đây là lần thứ ba các bộ trưởng Quốc phòng của 30 quốc gia thành viên NATO và nhóm liên lạc do Mỹ dẫn đầu nhóm họp kể từ khi xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hôm 24/2. NATO đã quyết định tăng gấp đôi - từ bốn lên tám - các "đơn vị chiến đấu" bằng cách thành lập bốn đơn vị mới ở Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia.
Các đội quân này bổ sung vào các đơn vị chiến đấu hiện diện từ năm 2016 ở các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva cũng như ở Ba Lan. Theo ông Stoltenberg, trong một số trường hợp, các "đơn vị chiến đấu" sẽ được tăng quân số, từ cấp tiểu đoàn lên cấp lữ đoàn, vốn là một yêu cầu từ lâu của các nước vùng Baltic.
Cuộc họp lần này cũng đề cập đến các đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Tổng Thư ký Stoltenberg bày tỏ sự hoan nghênh các biện pháp mạnh mẽ đã được thực hiện để xua tan các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kết nạp hai nước này đồng thời nói thêm rằng "đang tiếp tục đối thoại để tìm ra một con đường chung cùng phát triển".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/6 cho biết ông đã thông báo với người đồng cấp Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine một gói viện trợ an ninh mới trị giá 1 tỉ USD.
Trong một thông cáo báo chí, Tổng thống Biden nói rằng gói viện trợ an ninh mới cho Kiev sẽ bao gồm pháo, vũ khí phòng thủ bờ biển, cùng đạn pháo và các hệ thống rocket tiên tiến mà Ukraine yêu cầu trong cuộc xung đột với Nga, đặc biệt tại khu vực miền Đông Donbass. Hãng tin Bloomberg cho biết Mỹ sẽ bàn giao cho Ukraine các tên lửa chống hạm Harpoon.
Trước đó, tin cho biết Mỹ đã quyết định chuyển giao thêm 8 hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) cho Ukraine trong khi quân đội Ukraine có kế hoạch triển khai MLRS trên chiến trường vào tuần tới. Về phần mình, Nga đã nhiều lần phản đối các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, cung cấp vũ khí cho Ukraine và khẳng định việc làm này cản trở triển vọng hòa bình ở Ukraine đồng thời tuyên bố những lô vũ khí mà phương Tây cung cấp sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp của Nga khi chuyển đến Ukraine.
Cùng ngày 15/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Tổng thống Ukraine sẽ phải đàm phán với Nga và các nước châu Âu cũng sẽ có mặt tại đàm phán nhằm đạt được các đảm bảo về an ninh.
Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Romania Klaus Iohannis sau cuộc thảo luận tại Căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Nam Romania, Tổng thống Macron cho biết Pháp mong muốn xây dựng hòa bình và đã có những bước đi nhằm ngăn ngừa xung đột.
Ông nhấn mạnh Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cả về mặt quân sự, kinh tế, tài chính và kế hoạch nhân đạo. Bên cạnh đó, ông khẳng định Romania sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine sang thị trường quốc tế.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)