Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 13/6 cảnh báo 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng khắp Liên minh châu Âu (EU) trong vài tuần tới.
Theo ECDC, mặc dù ở thời điểm hiện tại, phần lớn các nước EU đều ghi nhận tỉ lệ ca mắc 2 biến thể này ở mức thấp, song cũng có nước như Bồ Đào Nha ghi nhận số ca mắc 2 biến thể này tăng vọt.
Điều quan trọng là mặc dù 2 biến thể phụ này không khiến người nhiễm gặp phải biến chứng nặng do COVID-19, song vẫn có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong và điều này sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế.
ECDC khẳng định với diễn tiến dịch bệnh hiện nay, BA.4 và BA.5 sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại các nước EU.
Theo số liệu thống kê của worldometers.info, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, châu Âu ghi nhận 198.789.669 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.847.694 ca tử vong.
Trong khi đó, Đức đã nới lỏng tất cả các biện pháp hạn chế nhập cảnh, tạo thuận lợi hơn cho du khách đến từ các nước không thuộc EU. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức thông báo kể từ ngày 11/6, tất cả các biện hạn chế nhập cảnh vào Đức liên quan đến đại dịch COVID-19 sẽ tạm thời được dỡ bỏ tới ít nhất là ngày 31/8.
Với quy định mới này, tất cả hành khách đến từ mọi nơi trên thế giới đều được phép nhập cảnh vào Đức vì các mục đích khác nhau, kể cả du lịch. Động thái này không chỉ giúp những người đến từ các quốc gia không thuộc EU đi lại thuận tiện và rẻ hơn, mà còn giảm các thủ tục xét nghiệm nhiều lần, tốn kém. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Đức, riêng những người đến từ Trung Quốc vẫn cần có lý do chính đáng mới có thể nhập cảnh, trừ khi là công dân Đức.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Đức nới lỏng một số yêu cầu đối với du khách, như phải trình chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được phép nhập cảnh vào Đức. Với quy định mới, hành khách không còn phải tuân thủ quy tắc 3G, chứng nhận tiêm chủng, hồi phục hay xét nghiệm âm tính trước khi đến Đức.
Tuy nhiên, nếu một quốc gia bị coi là “khu vực biến thể của virus”, thì các quy định nhập cảnh nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng, trong đó ngoài việc cấm nhập cảnh đối với những người không phải cư dân Đức, những người được phép nhập cảnh vẫn phải cách ly 2 tuần, kể cả những người đã tiêm phòng đầy đủ.
Hiện tại, không có quốc gia nào bị Đức xếp vào danh sách phân loại “biến thể virus”. Bộ Ngoại giao Đức khuyến cáo du khách nên theo dõi bất kỳ thay đổi nào về mức độ rủi ro trong danh sách của Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức.
Một trong những thay đổi nữa là Đức hiện chấp nhận tất cả các loại vắc xin ngừa COVID-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng. Quy định đi lại đối với công dân ngoài EU sẽ hết hiệu lực trong trường hợp các biện pháp hạn chế nhập cảnh được áp đặt trở lại.
Trong diễn biến khác, Chính phủ Indonesia ngày 13/6 dự báo số ca nhiễm các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron tại nước này sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 7 tới, tức là một tháng sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Bộ trưởng Y tế Gunadi Sadikin cho biết dự báo trên được đưa ra dựa trên kinh nghiệm ứng phó trong các làn sóng lây nhiễm trước. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Sadikin nói: "Có thể trong tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 7 chúng ta sẽ ghi nhận số ca nhiễm BA.4 và BA.5 cao nhất".
Quốc gia Đông Nam Á này đã xác nhận 8 ca nhiễm các biến thể nói trên, trong đó có 3 ca nhập cảnh. 5 ca còn lại là lây truyền trong nước, tại Bali và thủ đô Jakarta. Chính phủ nước này hiện đang tiếp tục theo dõi các bệnh nhân khác có thể nhiễm biến thể này tại Jakarta, West Java, Banten, và Bali.
Theo Bộ trưởng Sadikin, số ca nhiễm các biến thể dòng phụ nói trên đang gia tăng tại một số nước, nhưng tỉ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn nhiều so với dòng chính Omicron.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)