Chính phủ Ukraine đã thông qua kế hoạch ngừng xuất khẩu khí đốt, than đá và dầu nhiên liệu do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại nước này.
Theo một nghị quyết của Chính phủ Ukraine được công bố ngày 13/6, các mặt hàng than đá, dầu nhiên liệu và khí đốt được sản xuất trong nước thuộc danh mục các loại hàng hóa bị cấm xuất khẩu trong thời gian xảy ra xung đột.
Nghị quyết nêu rõ quyết định cấm xuất khẩu các mặt hàng trên có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga và tình trạng thiết quân luật ở quốc gia Đông Âu này.
Ukraine đã áp đặt tình trạng thiết quân luật vào ngày 24/2 sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu. Sau đó, Ukraine đã 3 lần gia hạn tình trạng thiết quân luật, kéo dài đến ngày 23/8 tới.
Cùng ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine - ông Taras Vysotskiy cho biết nước này bị mất 1/4 tổng diện tích đất canh tác ở một số khu vực kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, nhất là ở khu vực miền nam và miền đông. Tuy nhiên, ông này khẳng định an ninh lương thực của Ukraine không hề bị đe dọa.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Vysotskiy nói: “Mặc dù mất 25% diện tích đất canh tác nhưng cơ cấu cây trồng năm nay vẫn đủ để đảm bảo lương thực cho người dân".
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với Moscow liên quan chiến dịch này đã làm gián đoạn các nguồn cung phân bón, lúa mì và các hàng hóa khác từ cả Nga và Ukraine - hai nước sản xuất 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu.
Trong diễn biến khác, trong bài viết của mình trên tờ The Guardian của Anh ngày 13/6, nhà báo Simon Tisdall đã chỉ ra rằng chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tại Ukraine đã phơi bày những điểm yếu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sự chia rẽ trong hàng ngũ các nước thành viên của liên minh quân sự này.
Theo tác giả Simon Tisdall, NATO kém gắn kết hơn so với mường tượng trước đây. Nói cách khác, các nước thành viên NATO vẫn tích cực ủng hộ chính quyền Kiev, song một số nước châu Âu đang “núp sau liên minh” để “tránh thực hiện các nghĩa vụ quốc gia tốn kém đối với Kiev".
Tác giả bài báo cũng chỉ ra rằng “sẽ là không thực tế nếu trông đợi sự nhất trí hoàn toàn về chính trị trong một tổ chức lớn như vậy".
Việc đưa ra quyết định nhanh chóng bị cản trở bởi thực tế là tất cả các thành viên NATO có quyền biểu quyết ngang nhau, mặc dù theo quan điểm quân sự “họ bất bình đẳng một cách vô lý”. Tuy nhiên, nhà báo Tisdall cũng thừa nhận NATO hoàn toàn phụ thuộc vào các quyết định của Mỹ, sẽ không có gì xảy ra nếu không có sự chấp thuận của Washington.
Ngoài ra, việc NATO có vẻ như hiện diện ở khắp mọi nơi không mang lại cho liên minh nhiều lợi thế, vì không có khả năng tương tác giữa các hệ thống vũ khí của các quốc gia khác nhau, cũng như các cuộc tập trận chung, việc mua sắm vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)