* Dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ bị bệnh tắc động mạch phổi
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng những căng thẳng trong cuộc sống là một trong những tác nhân khiến những đợt dịch như COVID-19 trở nên tồi tệ hơn, và những người thường xuyên chịu áp lực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.
Phát hiện trong nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y Mount Sinai ở New York (Mỹ) thực hiện và được công bố trên tạp chí Nature được kỳ vọng sẽ mở ra hướng tiếp cận mới, để các bác sĩ tìm hiểu kỹ hơn về trạng thái tinh thần của các bệnh nhân khi điều trị.
Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra cách thức các bộ phận cụ thể của não kiểm soát phản ứng miễn dịch tế bào của cơ thể khi bị căng thẳng cấp tính, cũng như khi chống lại việc nhiễm bệnh.
Nghiên cứu trên chuột cho thấy căng thẳng cấp tính có thể gây bất lợi cho việc chống lại các căn bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là COVID-19 và làm tăng nguy cơ tử vong.
Cụ thể, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu đối với hai nhóm chuột, trong đó một nhóm bị căng thẳng và một nhóm ở trạng thái bình thường, đồng thời phân tích hệ thống miễn dịch của chúng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những con chuột bị căng thẳng cấp tính biểu hiện những thay đổi đáng kể trong hệ thống miễn dịch của chúng chỉ vài phút, trong khi nhóm chuột ở trạng thái bình thường không có hiện tượng này.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích cách thức cơ thể chúng phản ứng trước bệnh cúm thông thường và COVID-19.
Kết quả cho thấy những con chuột ở trạng thái bình thường có khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn, đồng thời phục hồi nhanh hơn nếu mắc bệnh. Trong khi đó, những con chuột trong nhóm bị căng thẳng ốm yếu hơn, khả năng miễn dịch kém hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn.
Giới chuyên gia bày tỏ hy vọng rằng những phát hiện này sẽ khích lệ mọi người hướng tới một lối sống lành mạnh và ít căng thẳng hơn, đồng thời khuyến khích các bác sĩ xem xét sâu hơn về trạng thái tinh thần của bệnh nhân khi điều trị.
Tác giả của nghiên cứu trên - tiến sĩ Filip Swirski, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tim mạch tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai - cho biết những phát hiện này cho thấy tác động đáng kể của tình trạng căng thẳng đối với hệ thống miễn dịch.
Ông nêu rõ: “Công trình nghiên cứu này cho chúng ta thấy rõ căng thẳng có tác động lớn đến hệ thống miễn dịch của chúng ta và khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức các yếu tố kinh tế xã hội, lối sống và môi trường mà chúng ta đang sống kiểm soát cách cơ thể chúng ta có thể tự bảo vệ chống lại việc mắc bệnh. Trong tương lai, chúng ta sẽ cần hiểu rõ hơn về những tác động lâu dài của tình trạng căng thẳng. Điều đặc biệt quan trọng là tìm hiểu cách đạt được khả năng phục hồi trước căng thẳng và liệu khả năng phục hồi có thể làm giảm tác động tiêu cực của căng thẳng đối với hệ thống miễn dịch của chúng ta hay không”.
* Những người đã mắc COVID-19 có nguy cơ phát triển các cục máu đông nguy hiểm trong phổi cao hơn 2 lần so với người chưa từng mắc.
Đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), dựa trên số liệu của hơn 350.000 bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng 20% người trưởng thành tuổi từ 18-64 và 25% người từ 65 tuổi trở lên gặp các vấn đề về sức khỏe có thể liên quan đến việc từng mắc COVID-19.
Trong các vấn đề trên, nguy cơ phát triển các bệnh tắc mạch phổi nặng, tức là xuất hiện cục máu trong động mạch phổi, gia tăng nhiều nhất. Bên cạnh đó là các triệu chứng về hô hấp như ho kinh niên hoặc khó thở.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)