Theo nhà kinh tế Ting Lu tại Công ty tài chính Nomura (Nhật Bản), làn sóng mới nhất của biến thể Omicron gây dịch COVID-19 và chính sách phong tỏa trên diện rộng kể từ giữa tháng 3 đã khiến nguồn thu ngân sách của Chính phủ Trung Quốc giảm mạnh.
Nomura ước tính chính phủ thất thu khoảng 6.000 tỉ nhân dân tệ (895,52 tỉ USD), trong đó khoảng 2.500 tỉ nhân dân tệ do chính sách hoàn thuế, sự suy yếu của hoạt động sản xuất và 3.500 tỉ nhân dân tệ do thất thu từ bán bất động sản.
Các nhà phân tích của Nomura cho rằng phần lớn các biện pháp kích thích sắp tới mà Trung Quốc tiến hành có thể là tung ra trái phiếu chính phủ đặc biệt hoặc thúc đẩy chính sách cho vay của các ngân hàng chính sách để bù đắp khoảng trống ngân sách.
Số liệu kinh tế tháng 4 cho thấy tăng trưởng kinh tế giảm tốc do các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trong một cuộc họp vào tuần trước rằng ở một số khía cạnh những khó khăn mà Trung Quốc đối mặt còn lớn hơn năm 2020.
Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát trở lại, việc bán bất động sản, một nguồn thu đáng kể của chính quyền địa phương, đã giảm sau khi chính phủ siết chặt các quy định đối với các nhà phát triển bất động sản “ngập” trong nợ nần.
Bên cạnh đó, các chính quyền địa phương cũng chịu ảnh hưởng khi thực hiện các đợt cắt giảm và hoàn thuế mà chính phủ đã công bố để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo Nomura, sức ép ngày càng tăng đối với tăng trưởng kinh tế sẽ đòi hỏi nhiều hỗ trợ hơn từ các khoản nợ. Bộ Tài chính cho biết trong bốn tháng đầu năm, 8 trong số 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm nguồn thu tài chính. Năm 2021, Tây Tạng là khu vực cấp tỉnh duy nhất chứng kiến sự sụt giảm doanh thu tài chính.
Zhiwei Zhang, nhà kinh tế tại hãng quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, có trụ sở tại Hongkong (Trung Quốc), cho biết điều quan trọng cần lưu ý là sự sụt giảm doanh thu tài khóa không chỉ xảy ra ở các thành phố bị phong tỏa.
Theo chuyên gia Zhang, nhiều thành phố không bùng phát dịch cũng bị ảnh hưởng, khi nền kinh tế của các thành phố này có mối liên hệ với những thành phố bị phong tỏa. Do đó, vấn đề không chỉ giới hạn ở một số ít thành phố, đó là một vấn đề quốc gia.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất trong hai năm với lệnh phong tỏa tại nhiều thành phố trong đó có Thượng Hải và các vùng lân cận. Thâm Quyến, trung tâm công nghệ phía nam, đã công bố số liệu cho thấy nguồn thu ngân sách địa phương trong tháng 4 giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 25,53 tỉ nhân dân tệ.
Chuyên gia Zhang nhấn mạnh các chính quyền địa phương phải đối mặt với sức ép tài khóa ngày càng lớn. Trước tình hình này, chính quyền trung ương có thể phải điều chỉnh lại ngân sách tài khóa và gia tăng nợ để hỗ trợ các chính quyền địa phương.
Susan Chu, quan chức cấp cao của hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, bày tỏ lo ngại thâm hụt nguồn thu ngày càng lớn đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng gánh nặng nợ trong tương lai và đây là một tín hiệu quan trọng cần theo dõi để đánh giá rủi ro.
Trong khi đó, nhà phân tích Jack Yuan, tại Moody’s Investors Service, dự kiến các khoản nợ công sẽ tiếp tục tăng trong năm nay do sức ép kinh tế gây ra.
Theo nhà phân tích này, cần cân nhắc xem Trung Quốc sẽ quyết định cân bằng tăng trưởng kinh tế với mức nợ như thế nào trong năm nay.
Theo TTXVN/Vietnam+