Hãng tin AFP dẫn lời trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky ngày 22/5 tuyên bố Moscow sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán, song cần có được sự nhất trí từ phía Kiev.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Belarusian TV, ông Medinsky nêu rõ: “Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại". Theo quan chức này, việc nối lại hòa đàm phụ thuộc vào quyết định của phía Ukraine và “Nga chưa bao giờ khước từ những cuộc đàm phán".
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaisev hôm 6/5 cho biết tiến trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine đang bị đình trệ.
Ông nhấn mạnh các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bề ngoài tuyên bố ủng hộ sớm chấm dứt xung đột nhưng đang làm mọi việc để không cho triển vọng đó trở thành hiện thực bằng cách tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine với quy mô hàng tỉ USD.
Cũng trong ngày 6/5, hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine dẫn phát biểu của Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky khẳng định Kiev sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán giải quyết xung đột với Moscow sau khi các lực lượng của Nga quay trở lại vị trí như trước ngày 24/2 - thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong tuyên bố, Tổng thống Zelensky cho rằng các lực lượng của Nga cần rút về các đường ranh giới hoặc giới tuyến tạm thời. Có như vậy, hai bên mới “có thể bắt đầu những cuộc đàm phán đầy đủ”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh “không phải tất cả những cây cầu” dành cho hòa đàm với Nga đã bị phá hủy.
Ngoại trưởng Ukraine và Nga đã gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Ba vừa qua, tiếp sau đó là cuộc họp giữa các phái đoàn của hai bên tại Istanbul, song không thể mang lại những kết quả cụ thể.
Trong diễn biến khác, tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine có thể phải mất 15 đến 20 năm chứ không chỉ vài tháng hay vài năm. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Clement Beaune khi phát biểu trên kênh phát thanh Radio J ngày 22/5.
Bộ trưởng Clement Beaune nói: “Chúng ta phải thành thật với nhau. Nếu nói rằng Ukraine sẽ gia nhập EU trong 6 tháng, hoặc 1 đến 2 năm tới, đó là nói dối. Quá trình này mất nhiều thời gian, có thể kéo dài 15 đến 20 năm”.
Mới đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất về Cộng đồng chính trị châu Âu có liên kết lỏng lẻo hơn, sáng kiến được xem là có thể giúp đẩy nhanh việc kết nạp thành viên EU. Sáng kiến của ông Macron dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 6.
Tuy nhiên, trong một phát biểu ngày 21/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra không hào hứng với kế hoạch này, thay vào đó nhấn mạnh rằng cần ngay lập tức bắt đầu các thủ tục để Ukraine gia nhập EU.
Cũng trong ngày 22/5, Quốc hội Ukraine đã thông qua quyết định gia hạn 3 tháng tình trạng thiết quân luật đến ngày 23/8 trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn đang tiếp diễn và tập trung tại khu vực miền Đông Ukraine.
Đây là lần thứ 3 tình trạng thiết quân luật tại Ukraine được kéo dài kể từ khi được áp dụng theo sắc lệnh Tổng thống Zelensky đã ký ban hành sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)