Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, quốc hội mới được bầu ở Libăng chính thức bắt đầu nhiệm kỳ ngày 22/5, sau khi quốc hội khóa trước mãn nhiệm vào ngày 21/5.
Kết quả chính thức của cuộc bầu cử quốc hội Libăng do Bộ Nội vụ nước này công bố ngày 17/5 cho thấy phong trào Hồi giáo dòng Shi’ite Hezbollah và các đồng minh đã mất ưu thế đa số trong cơ quan lập pháp này.
Theo đó, Hezbollah và các đồng minh chính trị của phong trào này giành được 62 ghế, thấp hơn mức tối thiếu 65 ghế để trở thành phe đa số trong quốc hội khóa mới.
Trong quốc hội mãn nhiệm, Hezbollah và các đồng minh nhận được sự ủng hộ của khoảng 70 trong quốc hội gồm 128 nghị sĩ. Ít nhất 13 ghế trong quốc hội khóa mới thuộc về các nghị sĩ ủng hộ cải cách. Đây được xem là kết quả chưa có tiền lệ trong cuộc bầu cử tại nước này.
Kết quả trên đẩy Quốc hội Libăng vào tình trạng phân chia thành nhiều lực lượng, song không có lực lượng nào chiếm đa số ghế tại cơ quan lập pháp. Điều này càng gây cản trở cho quá trình thông qua các cải cách cần thiết để vực dậy nền kinh tế Libăng.
Tổng thống Libăng Michel Aoun cho biết chính phủ của Thủ tướng Najib Mikati được coi là đã từ chức theo hiến pháp nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Aoun đề nghị chính phủ của ông Mikati tiếp tục làm việc với vai trò chính phủ lâm thời cho tới khi một chính phủ mới được thành lập.
Nội các Libăng đã tổ chức phiên họp cuối cùng vào ngày 20/5, với việc đưa ra một số quyết định vào phút chót, bao gồm việc phê duyệt kế hoạch phục hồi kinh tế.
Kế hoạch phục hồi kinh tế bao gồm một số biện pháp được coi là điều kiện tiên quyết để Libăng nhận được gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó có kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và cải cách luật bảo mật ngân hàng.
Theo TTXVN/Vietnam+