Bộ Y tế New Zealand ngày 8/5 thông báo nước này vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể BA.5 tại khu vực cửa khẩu.
Trường hợp này đã đi từ Nam Phi đến New Zealand. Hôm 1/5 vừa qua, quốc gia châu Đại dương này cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể BA.4, cũng đi từ Nam Phi.
Bộ Y tế New Zealand cho biết sẽ phải mất vài tuần hoặc vài tháng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng loại biến thể mới hoặc dòng phụ mới của biến thể. Do đó, nhà chức trách nước này sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình.
Hiện New Zealand đang áp dụng khung bảo vệ COVID-19 màu cam, đồng nghĩa với việc không hạn chế các cuộc tụ tập. Giới chuyên gia cho biết tình hình dịch bệnh tại nước này cũng đang có dấu hiệu giảm dần, đặc biệt là tại Auckland, song cảnh báo người dân không nên chủ quan vì virus vẫn còn lây lan trong cộng đồng.
Trong diễn biến khác, khoảng 10% số người nhập viện do mắc COVID-19 tiếp tục chịu ảnh hưởng của các triệu chứng của bệnh 1 năm sau khi họ xuất viện. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát gần đây do nhóm nghiên cứu của Bộ Y tế Nhật Bản tiến hành, công bố ngày 7/5.
Theo khảo sát, các triệu chứng kéo dài thường gặp nhất là giảm sức mạnh cơ bắp (7,4%), tiếp đó là khó thở (4,4%) và hôn mê (3,5%). Số người bị mất và thay đổi khứu giác là 1,6%, trong khi số người thay đổi vị giác là 1,0%. Một số người cho biết phải chịu nhiều triệu chứng khác nhau.
Khảo sát cũng cho thấy số người phải tìm đến sự hỗ trợ của các cơ sở y tế do các triệu chứng vẫn còn dù đã xuất viện 1 năm ở mức 9,8%. Khoảng 5,1% số người tham gia khảo sát cho thấy các tác động của virus SARS-CoV-2 đến phổi dù 1 năm sau khi xuất viện.
Cuộc khảo sát được tiến hành đối với 693 người có các triệu chứng COVID-19 ở mức độ trung bình hoặc nặng, nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 7/2021. Giới chuyên gia Nhật Bản đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tránh để lây nhiễm, khuyến nghị người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19, cũng như tuân thủ các biện pháp an toàn.
Trong khi đó, theo một báo cáo do hãng tin CNN đăng tải ngày 6/5, dù mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ nhưng trẻ nhỏ vẫn có nguy cơ gặp phải hội chứng COVID kéo dài (Long COVID). CNN dẫn tuyên bố của Viện Nhi khoa Mỹ cho biết hiện chưa có bất kỳ xét nghiệm cụ thể nào để xác định hội chứng COVID kéo dài. Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, gần 13 triệu trẻ em đã dương tính với virus SARS-CoV-2.
Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 2-10% trẻ trong số này có nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài, nhưng trên thực tế con số có thể còn lớn hơn như vậy. Trong khi đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ mắc hội chứng COVID kéo dài ở người trưởng thành chiếm khoảng 30% trong số các trường hợp đã khỏi bệnh.
Nhiều bác sĩ đang điều trị cho trẻ tại Mỹ cho biết các em đã phải chờ đợi rất lâu mới đến hẹn khám. Có nhiều nhiều trường hợp đã đặt lịch sang cả tháng 9 năm nay.
Bác sĩ Jeffrey Kahn, trưởng Khoa Nhi khoa truyền nhiễm tại Trung tâm y tế Tây Nam ở Dallas, bày tỏ bất ngờ khi quá nhiều trẻ em gặp hàng loạt triệu chứng COVID kéo dài mà giới chuyên môn vẫn chưa có được các đánh giá đầy đủ. Thậm chí, một số trường trường hợp còn bị suy tim sau khi mắc COVID-19 không triệu chứng.
Bác sĩ Amy Edwards thuộc Bệnh viện Nhi UH Rainbow ở Cleveland, cũng cho rằng đã xảy ra rất nhiều trường hợp trẻ bị COVID-19 nhẹ nhưng lại mắc hội chứng COVID kéo dài. Qua xét nghiệm miễn dịch trên quy mô lớn, ông và các cộng sự nhận thấy chỉ số đường huyết GI của trẻ "có vẻ vẫn ở mức bình thường" nhưng trẻ "không hoạt động như bình thường".
Theo bác sĩ Edwards, các vấn đề hội chứng COVID kéo dài ở người lớn có xu hướng dễ nhận biết hơn vì có thể ghi nhận những rối loạn chức năng thông qua các xét nghiệm. Nhưng đối với trẻ nhỏ, có những giới hạn mà y khoa và thậm chí các xét nghiệm cũng không chỉ rõ được. Đôi khi điều này đòi hỏi các bậc cha mẹ phải thực sự nhạy cảm mới có thể nhận ra.
Các bác sĩ đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân gây hội chứng COVID kéo dài theo cách "bí ẩn" như vậy ở trẻ nhỏ. Họ cũng đang nghiên cứu đâu là triệu chứng để xác định hội chứng COVID kéo dài ở trẻ. Dù một số nghiên cứu ở người trưởng thành đã chỉ ra tới 200 triệu chứng COVID kéo dài, nhưng điều này không được áp dụng cho các trường hợp lâm sàng nói chung.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)