Ngày 7/5, các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành điện đàm về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc Noh Kyu-duk và người đồng cấp Mỹ Sung Kim đã tiến hành cuộc điện đàm trên chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên được cho là phóng thử một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), đánh dấu vụ thử lần thứ 15 của nước này chỉ riêng từ đầu năm đến nay.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hai đặc phái viên khẳng định vụ phóng nghi là tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bán đảo Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Theo đó, "hai bên kêu gọi Triều Tiên dừng ngay các bước đi có thể làm trầm trọng thêm tình hình, và nhanh chóng quay trở lại con đường đối thoại và ngoại giao".
Ngoài ra, hai đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc và Mỹ cũng nhất trí tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo phản ứng "thống nhất" của cộng đồng quốc tế, bao gồm các biện pháp của Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cũng trong ngày 7/5, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) Park Jie-won cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân trong khoảng thời gian từ lúc Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức (ngày 10/5) cho tới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Seoul trong tháng này.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho rằng việc Triều Tiên phát triển công nghệ liên quan tới tên lửa hạt nhân và thực hiện liên tiếp các vụ thử mà Tokyo cho là tên lửa đạn đạo đã đe dọa khu vực và cộng đồng quốc tế, đồng thời chỉ trích đây là hành động "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Ông Kishi nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tiếp tục "tăng cường năng lực quốc phòng" để bảo vệ người dân trước những mối đe dọa an ninh tương tự.
Theo TTXVN/Vietnam+