Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths, cho biết ông đã kêu gọi các quan chức Nga và Ukraine nhóm họp để thảo luận về các vấn đề nhân đạo.
Ông Griffiths đưa ra lời kêu gọi này trong các chuyến thăm mới đây tới cả hai nước đang trong vòng xoáy xung đột nói trên. Phát biểu ngày 18/4 với báo giới về chuyến công du, Phó Tổng Thư ký Griffiths nêu rõ ông đã kêu gọi hai bên Nga và Ukraine thống nhất để sắp xếp cuộc gặp giữa giới chức hai nước, một cuộc họp do Liên hợp quốc triệu tập (có bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp) vào bất cứ thời điểm nào, thảo luận về các vấn đề nhân đạo.
Phó Tổng Thư ký Griffiths cho biết ông dự kiến sẽ tiếp tục trở lại Nga để thảo luận về tình hình Ukraine sau khi ông có chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Griffiths dự định thúc đẩy thành lập một "nhóm tiếp xúc nhân đạo", trong đó có sự tham gia của cả Nga và Ukraine.
Cũng trong ngày 18/4, một nguồn tin ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an sẽ họp thảo luận về vấn đề người Ukraine đi lánh nạn vào chiều 19/4 theo giờ Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) thông báo đã có hơn 4,8 triệu người Ukraine phải rời khỏi nước này kể từ khi xảy ra xung đột vào cuối tháng 2.
Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết gần 215.000 công dân nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Ukraine cũng đã sơ tán khỏi nước này. Tổng số người rời khỏi Ukraine hiện là hơn 5 triệu người kể từ khi xung đột nổ ra.
Trong số những người sơ tán khỏi Ukraine có hơn 2,75 triệu người đến Ba Lan, gần 740.000 người đến Romania. Phụ nữ và trẻ em chiếm đến 90% số người rời khỏi Ukraine. Ngoài ra, IOM ước tính còn 7,1 triệu người khác cũng đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán ở trong nước Ukraine.
Trong diễn biến khác, theo hãng tin TASS của Nga, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết lực lượng không quân tác chiến-chiến thuật của Lực lượng hàng không - vũ trụ Nga đã mở cuộc tấn công nhằm vào 84 mục tiêu quân sự của Ukraine, trong đó phá hủy một nhà máy sửa chữa tổ hợp tên lửa Tochka-U ở TP Dnipro, miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, theo hãng tin Tân Hoa xã, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 18/4 cho biết các lực lượng Nga đã bắt đầu chiến dịch quân sự ở khu vực Donbass, miền Đông nước này, đồng thời tuyên bố Kiev sẽ tự phòng thủ.
Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksander Kubrakov ngày 18/4 cho biết chiến dịch đặc biệt của Nga đã làm hư hỏng hay phá hủy 30% cơ sở hạ tầng của Ukraine, với thiệt hại lên đến 100 tỉ USD, và việc tái xây dựng có thể được thực hiện trong hai năm với nguồn vốn từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Trước đó, Ukraine chưa từng liệt kê cụ thể tác động của tình hình xung đột hiện tại đối với cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, dù nhiều quan chức của nước này cho biết tổng thiệt hại đối với mọi thứ từ hệ thống vận tải đến nhà ở và các tòa nhà khác tính đến nay vào khoảng 500 tỉ USD.
Ông Kubrakov cho biết tất cả các bộ phận trong hệ thống cơ sở hạ tầng của Ukraine đều bị thiệt hại ở một mức độ nào đó. Ông cho biết chiến dịch đặc biệt của Nga đã ảnh hưởng đến 20-30% toàn bộ cơ sở hạ tầng của nước này ở các mức độ hư hỏng và bị tàn phá khác nhau.
Theo ông Kubrakov, hơn 300 cây cầu trên các tuyến đường quốc gia đã bị phá hủy hay hư hại, hơn 8.000km đường bộ cần phải được sửa chữa hoặc tái xây dựng, và hàng chục cây cầu đường sắt đã bị tàn phá.
Ông ước tính tổng thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng đến nay lên đến 100 tỉ USD. Ông Kubrakov cho biết Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine đã bắt đầu quá trình tái xây dựng ở các khu vực mà xung đột giảm bớt.
Ông hy vọng các nước phương Tây sẽ hỗ trợ công cuộc tái xây dựng của Ukraine, với kinh phí có thể được lấy từ nhiều nguồn. Theo ông, nguồn đầu tiên là những tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng ở gần như tất cả các nước lớn.
Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách tạo ra một quỹ cho việc tái xây dựng, trong khi nhiều chính trị gia của khối này kêu gọi sử dụng các tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng, trong đó có 300 tỉ USD dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga.
Ông Kubrakov cho biết Bộ Tư pháp Ukraine và nhiều đồng minh của nước này đang tìm cách sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga. Trong số đó, một phương án là huy động tiền bằng cách bán các tài sản này thông qua cái mà ông gọi là một “cơ chế minh bạch”.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)