Thứ Hai, 20/01/2025 18:12 CH
Cơ hội tăng trưởng mới cho ASEAN trong bối cảnh bất ổn địa chính trị
Thứ Hai, 18/04/2022 14:10 CH

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang từng bước mở cửa trở lại để đưa nền kinh tế vào guồng quay phục hồi, họ lại phải đối mặt với những thách thức về kinh tế đang ngày càng gia tăng.

 

Điều này đòi hỏi từng quốc gia trong khu vực phải tìm ra giải pháp nhằm nắm bắt cơ hội mới trong công cuộc phục hồi thích ứng, bao trùm và bền vững.

 

Đó là nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa trong bài viết mới nhất có tựa đề: “Nắm bắt những cơ hội tăng trưởng mới cho ASEAN” .

 

ASEAN đối mặt với thách thức kép

 

Theo Chủ tịch Masatsugu Asakawa, thách thức đầu tiên đối với các nền kinh tế ASEAN là việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, gây ra làn sóng chấn động lan khắp kinh tế toàn cầu.  

 

Ban đầu, ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine đối với ASEAN thông qua thương mại và đầu tư có vẻ hạn chế, song với việc giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và lạm phát đang nóng lên, các nhà nhập khẩu dầu ròng của ASEAN phải đối mặt với những thách thức đáng kể do hóa đơn nhập khẩu tăng. Ngoài ra, an ninh lương thực và chuỗi cung ứng mong manh cũng đứng  trước những nguy cơ lớn.  

 

Thách thức thứ hai là xu hướng tăng lãi suất ở Mỹ, vốn đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát giữa bối cảnh bất ổn gia tăng.

 

Chênh lệch lãi suất ngày càng nới rộng giữa các nền kinh tế ASEAN và Mỹ, và những thay đổi trong niềm tin của các nhà đầu tư có thể tạo ra sự đảo ngược đột ngột trong luân chuyển dòng vốn, làm mất giá đồng tiền và gây ra bất ổn tài chính.  

 

Để duy trì đà phục hồi, khu vực ASEAN cần phải cảnh giác và sẵn sàng hợp tác để ngăn chặn bất ổn tài chính khu vực. Đặc biệt, giới chức cần quản lý một cách thận trọng những tác động tổng hợp của môi trường giá dầu cao hơn, xu hướng tăng lãi suất của Mỹ cũng như việc loại bỏ dần các biện pháp kích thích tài khóa.  

 

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách ASEAN đối mặt với ba ưu tiên chính sách quan trọng. Đó là thúc đẩy hợp tác khu vực để bảo đảm phục hồi mạnh mẽ, tăng cường huy động nguồn lực trong nước và mở rộng quy mô đầu tư cho tăng trưởng xanh và đồng đều.

 

Ba ưu tiên chính sách quan trọng

 

Ưu tiên đầu tiên là hợp tác khu vực. Chủ tịch của ADB cho rằng hợp tác khu vực có thể mở đường cho công cuộc phục hồi bền vững và thích ứng của các nền kinh tế ASEAN.

 

Hoạt động thương mại và đầu tư khu vực mạnh mẽ đã tạo ra vùng đệm an toàn cho ASEAN trong giai đoạn suy giảm kinh tế và thương mại toàn cầu. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực vào đầu nă m nay, được kỳ vọng sẽ mở rộng vùng đệm này.

 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Masatsugu Asakawa khẳng định ADB sẽ vẫn là một đối tác đáng tin cậy của các nền kinh tế khu vực thông qua các hình thức cung cấp tài trợ thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và các giải pháp tri thức.

 

Việc củng cố sâu sắc hơn các thị trường vốn và trái phiếu bằng đồng nội tệ rất quan trọng. ADB đang hỗ trợ điều này thông qua Sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á ASEAN+3 (ABMI).

 

ADB cũng hỗ trợ phát triển và phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững để giúp các chính phủ đầu tư vào phát triển tính bền vững của môi trường, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Ngoài ra, những nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường an ninh lương thực và năng lượng thông qua hợp tác khu vực, thúc đẩy an ninh y tế khu vực và gia tăng cơ chế giám sát dịch bệnh là hết sức cần thiết để giảm thiểu rủi ro và duy trì tính bền vững.

 

Ưu tiên thứ hai là huy động hiệu quả nguồn lực trong nước. Điều này rất quan trọng để khôi phục tính bền vững tài khóa nhằm duy trì các nỗ lực tài trợ và phục hồi sau đại dịch, hướng tới việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

 

Ở khía cạnh này, ASEAN còn nhiều không gian cải thiện do mức huy động thu ngân sách từ thuế còn tương đối thấp. Một số quốc gia thành viên ASEAN đã tăng cường hệ thống quản lý thuế của mình thông qua các giải pháp kỹ thuật số.

 

ADB cũng đang hợp tác với các nền kinh tế để đơn giản hóa quy trình cho người nộp thuế, giúp nâng cao tính tuân thủ tự nguyện và cải thiện việc xây dựng chính sách thuế.

 

Hợp tác thuế quốc tế là chìa khóa để chống trốn thuế và tránh thuế. Để thúc đẩy điều này thông qua việc chia sẻ tri thức và phối hợp về chính sách và quản lý thuế, ADB đã ra mắt Trung tâm thuế châu Á - Thái Bình Dương.

 

Ưu tiên thứ ba là mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, chống chịu khí hậu. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng bởi một số tác động có tính tàn phá nhất của biến đổi khí hậu và những tác động này dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn.

 

Đồng thời, đây cũng là khu vực phát thải hơn 50% lượng khí nhà kính mỗi năm trên toàn cầu. Do đó, ASEAN cần nhận thức rằng kịch bản thắng - thua của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ được quyết định ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

 

Tham vọng của ADB là cung cấp cho ASEAN 100 tỉ USD tài trợ khí hậu lũy kế từ năm 2019 đến năm 2030, bao gồm 34 tỉ USD cho các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, để giúp khu vực ứng phó với các thách thức khí hậu. Quỹ tài trợ Xanh xúc tác ASEAN (ACGF), thuộc sở hữu của tất cả các thành viên ASEAN và do ADB quản lý, đang hỗ trợ phát triển và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh.

 

Quỹ này đã huy động được 2 tỉ USD nguồn lực công và tư với sự hỗ trợ từ 9 đối tác, bao gồm đồng tài trợ từ Liên minh châu Âu (EU), Ý, Vương quốc Anh và Quỹ Khí hậu Xanh trong khuôn khổ Diễn đàn Phục hồi Xanh được ra mắt tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).

 

Bên cạnh đó, Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng, gọi tắt là ETM, là một chương trình sáng tạo khác do Indonesia, Philippines và ADB phát động vào năm ngoái. ETM tìm cách xúc tác nguồn vốn tư nhân và tăng tốc quá trình chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch trong ASEAN.

 

Sáng kiến này cũng nhằm mục tiêu chấm dứt sớm hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, mở rộng quy mô các giải pháp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và bảo đảm rằng quá trình chuyển đổi là công bằng và hợp lý về chi phí.

 

Theo Chủ tịch Asakawa, khi công cuộc phục hồi sau đại dịch COVID-19 của ASEAN chuyển sang giai đoạn cao, các sáng kiến hợp tác khu vực sẽ vẫn là yếu tố then chốt để quản lý những thách thức ngày càng tăng và nắm bắt những cơ hội mới nhằm xây dựng một tương lai vững mạnh hơn.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek