Thứ Năm, 23/01/2025 04:00 SA
Chuyên gia: Dầu thô Nga khó có thể thay thế do nhiều ưu điểm
Thứ Bảy, 09/04/2022 17:11 CH

Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: TheMoscowtimes.com/TTXVN

Giám đốc về năng lượng của Viện Năng lượng và Tài chính Nga, ông Alexei Gromov, ngày 9/4 cho biết dầu thô Urals của Nga có hai lợi thế, nhờ đó có thể xuất khẩu với khối lượng khá lớn. Theo ông Gromov, dầu thô của Nga có thể được xem là không thể thiếu đối với châu Âu.

 

Chuyên gia này đã tiết lộ các đặc điểm của dầu thô Nga và cho biết nó lý tưởng về mặt thông số đối với các nhà máy lọc dầu châu Âu. Ông Gromov giải thích: “Vấn đề không chỉ là không thể tìm được số lượng dầu thích hợp để thay thế dầu của Nga. Dầu của chúng ta xét về các thông số hóa - lý lý tưởng cho các nhà máy lọc dầu châu Âu. Các doanh nghiệp này ngay từ đầu đã đặc biệt quan tâm tới các loại dầu Urals của Nga".

 

Theo ông Gromov, nguồn cung dầu Urals có thể được chuyển hướng thành công từ Tây sang Đông. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của nhiên liệu Nga với tư cách là một mặt hàng xuất khẩu. Chuyên gia này cho biết: “Trong vài tuần qua, các công ty Nga đã phần nào kịp định hình lại chuỗi cung ứng của họ để chuyển hướng dầu của Nga đến những người mua ở các khu vực khác trên thế giới. Điều này được thực hiện nhằm cung cấp dầu cho những nước sẵn sàng mua dầu của Nga”. Ông cho biết ban đầu, điều này đầy rủi ro, nhưng giờ đây chuỗi cung ứng đang bắt đầu tốt hơn.

 

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/4 đã chính thức ban hành các lệnh trừng phạt mới với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu than đá, gỗ, hóa chất và nhiều mặt hàng khác. Biện pháp trừng phạt lần này được dự đoán sẽ cắt giảm ít nhất 10% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Nga của EU.

 

Gói trừng phạt mới cũng ngăn chặn nhiều tàu và xe tải của Nga vào EU, từ đó tác động hơn nữa đến hoạt động thương mại. Mọi giao dịch với bốn ngân hàng của Nga, trong đó có VTB, cũng bị cấm theo lệnh mới nói trên.

 

Lệnh cấm nhập khẩu than đá, vốn là biện pháp trừng phạt đầu tiên của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ tuần thứ hai của tháng Tám. Không hợp đồng nào được ký kết mới từ ngày 8/4, và các hợp đồng hiện tại sẽ phải được chấm dứt trước tuần thứ hai của tháng Tám, có nghĩa là Nga vẫn có thể tiếp tục nhận được thanh toán từ EU cho các chuyến hàng than đá xuất khẩu cho đến thời điểm đó.

 

Theo ước tính của Ủy ban châu Âu (EC), chỉ riêng lệnh cấm nhập khẩu than đá cũng sẽ khiến doanh thu của Nga mất đi 8 tỉ euro (khoảng 8,7 tỉ USD)/năm. Kim ngạch nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, các mặt hàng cho đến nay vẫn chưa chịu lệnh trừng phạt nào, có giá trị tổng cộng khoảng 100 tỉ euro/năm.

 

Bên cạnh than đá, các lệnh trừng phạt mới của EU còn cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng khác từ Nga, trong đó có gỗ, cao su, ximăng, phân bón, hải sản cao cấp và các sản phẩm rượu mạnh, với tổng giá trị bổ sung được ước tính là 5,5 tỉ euro mỗi năm.

 

Một quan chức của EU cho biết tổng giá trị của các lệnh cấm này chiếm ít nhất 10% kim ngạch nhập khẩu từ Nga trong một năm của EU. Các biện pháp trên được đưa ra sau các lệnh cấm nhập khẩu trước đó đối với lĩnh vực sắt và thép. Tổng cộng, các lệnh trừng phạt trực tiếp của EU đối với Nga được đự đoán sẽ khiến tổng kim ngạch nhập khẩu từ Nga của khối này giảm lên đến 20%.

 

EU còn hạn chế xuất khẩu sang Nga một số mặt hàng như nhiên liệu bay, máy tính lượng tử, các sản phẩm bán dẫn tiên tiến, hàng điện tử cao cấp, phần mềm, thiết bị vận tải và cơ khí nhạy cảm, với tổng giá trị 10 tỉ euro/năm.

 

Một quan chức của EU cho biết cộng thêm các lệnh cấm xuất khẩu trước đó đối với các mặt hàng công nghệ khác, EU cho đến nay đã cấm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này sang Nga.

 

Các lệnh trừng phạt mới còn cấm các công ty Nga tham gia vào các chương trình mua sắm công tại EU, đồng thời mở rộng lệnh cấm sử dụng tiền kỹ thuật số vốn được xem là những công cụ tiềm năng để “lách” các lệnh trừng phạt nói trên.

 

Ngoài ra, EC cho biết thêm 217 cá nhân nữa đã bị thêm vào “danh sách đen” của EU, đồng nghĩa với việc tài sản của họ tại khối này sẽ bị đóng băng và họ sẽ bị cấm đi lại tại EU. Biện pháp này đã nâng tổng số cá nhân của Nga bị EU trừng phạt kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine lên gần 900 người.

 

Bên cạnh đó, thêm 18 thể chế nữa cũng bị đóng băng tài sản, trong đó có bốn ngân hàng và các công ty quốc phòng, qua đó tăng gần gấp đôi số công ty bị EU cho vào danh sách đen. Các ngân hàng bị trừng phạt bao gồm VTB - một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga, Sovkombank, Novikombank và Otkritie. Cả bốn ngân hàng này đều đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

 

Các ngân hàng hàng đầu của Nga trong việc xử lý các giao dịch trong lĩnh vực năng lượng như Sberbank và Gazprombank một lần nữa tránh được các lệnh trừng phạt, dù Giám đốc điều hành của Sberbank là ông Herman Gref nằm trong danh sách bị đóng băng tài sản.

 

Trong diễn biến khác, theo báo cáo của Cơ quan Di trú Nhật Bản, tính đến ngày 7/4, nước này đã nhận được hơn 700 đề nghị của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận cùng các cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, tham gia công tác hỗ trợ người Ukraine sơ tán sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Cơ quan Di trú Nhật Bản cho biết đến thời điểm hiện tại nước này tiếp nhận đơn xin tị nạn của khoảng 400 công dân Ukraine.

 

Trong khi các doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp cơ hội việc làm cho người tị nạn, các cá nhân cung cấp hỗ trợ về các thủ tục hành chính và nhà ở hỗ trợ người sơ tán.

 

Hôm 5/4, có 20 người Ukraine đã đến Nhật Bản trên một chuyến bay của Chính phủ Nhật Bản khởi hành từ Ba Lan.

 

Trong cuộc gặp Đại sứ Ukraine tại Nhật Bản hồi đầu tuần, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản cam kết sẽ có chương trình giảng dạy tiếng Nhật Bản cho người sơ tán Ukraine, cũng như hỗ trợ trẻ em sơ tán có nhu cầu đăng ký theo học tại trường học Nhật Bản.

 

Hiện chính quyền thủ đô Tokyo đã cũng cấp chỗ ở tạm thời cho người sơ tán Ukraine và cũng đã chuẩn bị khoảng 100 căn hộ phục vụ mục đích này, đồng thời có kế hoạch mở rộng trong trường hợp cần thiết.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek