Ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine vẫn tiếp diễn. Việc ký ban hành luật sẽ mở đường cho Mỹ tăng thuế nhập khẩu.
Động thái trên được đưa ra sau khi Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước nhất trí thực hiện các bước để tiến tới tước quy chế "tối huệ quốc" của Nga.
Trước đây, với quy chế này, Moscow được hưởng mức thuế thấp, cũng như các lợi ích khác khi là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh và đối tác khác của Mỹ đang áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine đã diễn ra hơn một tháng. Các chuyên gia cho rằng thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm của Nga sẽ tăng từ 3% lên trung bình khoảng 30%.
Theo luật mới ban hành, Belarus cũng sẽ mất quy chế tối huệ quốc. Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của nước này, với kim ngạch thương mại hai chiều 28 tỉ USD vào năm 2019.
Cũng trong ngày 8/4, Tổng thống Biden cũng đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga. Ông đã ký sắc lệnh cấm dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng, than đá và các sản phẩm năng lượng khác của Nga.
Ngoài ra, Mỹ thông báo tiếp tục mở rộng các biện pháp nhằm kiềm chế xuất khẩu của Nga và Belarus, theo đó hạn chế nhập khẩu những mặt hàng như phân bón hay van đường ống. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng giới hạn các chuyến bay sử dụng máy bay do công ty Mỹ sản xuất nhưng có chủ sở hữu, bên thuê là người Belarus bay đến Belarus.
Bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo sẽ yêu cầu công dân Nga và Belarus cần có giấy tờ đặc biệt nếu muốn sở hữu hàng hóa từ các nhà cung cấp Mỹ.
Cùng ngày 8/4, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Anh đã gặp nhau tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bộ trưởng các nước đã trao đổi quan điểm về tình hình Ukraine, quan hệ giữa ba nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, cũng như các vấn đề khu vực.
Trước cuộc gặp ba bên, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã có các cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Ý Lorenzo Guerini và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào cuối tháng 5 tới nhằm thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine và tình hình an ninh năng lượng của khu vực.
Trong nội dung đăng tải trên tài khoản Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nêu rõ EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bất thường vào ngày 30 và 31/5, với chương trình nghị sự tập trung thảo luận vấn đề quốc phòng, năng lượng và tình hình Ukraine.
Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga của EU được dự báo là có thể khiến tăng trưởng của châu Âu giảm mạnh. Theo Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni, bức tranh chung sắp tới không phải là suy thoái mà là "mức tăng trưởng giảm mạnh" vào thời điểm EU đang chuẩn bị gói biện pháp trừng phạt thứ năm chống lại Nga, có nguy cơ ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng và làm trầm trọng thêm tác động đối với người châu Âu.
Theo hãng tin TASS của Nga, phát biểu với báo giới ngày 8/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Moscow hy vọng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể hoàn tất trong tương lai gần. Ông lưu ý chiến dịch vẫn tiếp diễn và đang đạt được các mục tiêu, song song với thúc đẩy tiến trình đàm phán với Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev là không hề dễ dàng, nhưng Nga sẽ tìm cách đạt được tất cả các nhiệm vụ đề ra. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Armenia Ararat Mirzoyan, Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông đã chia sẻ tiến trình đàm phán giữa các phái đoàn Nga và Ukraine.
Mặc dù tiến trình này không thực sự tốt đẹp, nhưng Moscow đảm bảo rằng tất cả các mục tiêu đề ra cho các cuộc đàm phán sẽ được hoàn tất. Ông cũng cho rằng Belarus nên cung cấp những đảm bảo về an ninh cho Ukraine trong tương lai, một khi Kiev khẳng định vị thế trung lập của mình.
Ngoại trưởng Lavrov nói thêm: "Theo yêu cầu của phía Ukraine, sự trung lập, không tham gia các khối, phi hạt nhân của họ nên kèm theo những đảm bảo về an ninh. Tất nhiên, chúng tôi đề xuất Belarus nên nằm trong số các quốc gia cung cấp sự đảm bảo như vậy".
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)