* Nhật Bản quan ngại về biến thể dòng phụ BA.2 của Omicron
Những nghiên cứu do các nhà khoa học Brazil, Thụy Điển và Vương quốc Anh thực hiện gần đây khẳng định khả năng "miễn dịch kép", chỉ việc có kháng thể sau khi mắc COVID-19 và tiêm vắc xin - có thể duy trì hiệu quả phòng bệnh cao trong ít nhất 6 đến 8 tháng.
Theo các nhà khoa học, chính phủ các nước có thể dựa vào phát hiện trên để đưa ra những chính sách về tiêm chủng hoặc hộ chiếu vắc xin.
Kết quả nghiên cứu trên đồng thời cũng phản bác những ý kiến trước đó cho rằng những người đã từng mắc COVID-19 không được "hưởng lợi" gì từ việc tiêm chủng.
Ông Julio Croda - một chuyên gia về dịch tễ học và các bệnh truyền nhiễm thuộc Quỹ Oswaldo Cruz ở thành phố Rio de Janeiro (Brazil) - cùng các cộng sự đã xem xét các dữ liệu về những trường hợp đã tiêm chủng và mắc COVID-19 ở Brazil.
Họ phát hiện ra rằng trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến tháng 11/2021, những người từng mắc COVID-19 và sau đó được tiêm một mũi vắc xin của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, SinoVac hoặc Johnson & Johnson đã giảm được khoảng 45% nguy cơ tái nhiễm.
Trong khi đó, việc hoàn tất phác đồ tiêm chủng cơ bản của các loại vắc xin 2 liều có thể ngăn ngừa 65% nguy cơ tái nhiễm và hơn 80% các trường hợp có nguy cơ chuyển bệnh nặng.
Một số cơ quan chức năng dựa vào tình trạng từng mắc COVID-19 để quyết định việc cho phép các cá nhân được tới những địa điểm công cộng như nhà hát hoặc nhà hàng, tuy nhiên những cơ quan khác lại yêu cầu người dân cần có giấy chứng nhận tiêm chủng.
Ông Peter Nordström - một nhà dịch tễ học thuộc trường Đại học Umeå ở Thụy Điển - cho biết sự phân biệt này đã thúc đẩy ông cùng các đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu về vấn đề liên quan.
Xem xét hồ sơ do Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người dân Thụy Điển từng nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tái mắc COVID-19 thấp hơn 95% so với những người không có khả năng miễn dịch, trong khi khả năng tự bảo vệ của họ cũng tăng lên trong 3 tháng sau khi nhiễm virus và kéo dài cho đến ít nhất 20 tháng sau khi khỏi bệnh.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một liều vắc xin ngừa COVID-19 sẽ giúp giảm khoảng 50% nguy cơ mắc bệnh, trong khi liều vắc xin thứ hai sẽ giúp ổn định khả năng bảo vệ tăng cường trong 6 tháng sau khi tiêm chủng.
Mặc dù việc tiêm chủng giúp cơ thể gia tăng khả năng tự bảo vệ nhưng ông Nordström cho rằng cơ chế miễn dịch có được sau khi mắc bệnh cũng là yếu tố đáng xem xét.
Ông khuyến nghị: “Có lẽ chúng ta nên có hộ chiếu miễn dịch thay vì hộ chiếu vắc xin. Theo đó, bạn được coi là miễn dịch - và ít có khả năng truyền bệnh hơn - nếu bạn đã được tiêm chủng đầy đủ, hoặc bạn đã từng được ghi nhận việc mắc bệnh trước đó".
Ở một nghiên cứu khác, nhà dịch tễ học Victoria Hall thuộc Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cùng các đồng nghiệp đã theo dõi tình trạng mắc COVID-19 ở hàng nghìn nhân viên y tế, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2021.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những lần mắc bệnh trước đó đã giúp ngăn chặn hơn 80% nguy cơ tái mắc COVID-19 trong cùng năm đó, nhưng khả năng bảo vệ đã giảm xuống còn khoảng 70% sau thời gian 1 năm.
Những người được tiêm 2 mũi vắc xin của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca sau khi mắc COVID-19 có khả năng tự bảo vệ ở mức gần như 100% trong ít nhất 6 đến 8 tháng sau mũi tiêm thứ hai.
Bà Hall nêu rõ: “Khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian sau khi tiêm phòng và cả sau khi nhiễm bệnh, nhưng vẫn ở mức cao liên tục ở những người có cơ chế miễn dịch kép".
Đánh giá về các nhận định trên, ông Dan Barouch - một nhà virus học tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston (Massachusetts, Mỹ) cho biết những phát hiện này phù hợp với các nghiên cứu được công bố trước đó.
Ông khẳng định: “Tiêm phòng sau khi mắc bệnh, hoặc mắc bệnh sau khi tiêm phòng, tạo ra các phản ứng kháng thể đặc biệt mạnh mẽ".
Tuy nhiên, ông Barouch cũng lưu ý rằng cả 3 nghiên cứu nêu trên đều dựa trên những dữ liệu thu thập trước khi biến thể Omicron xuất hiện, do đó, giới khoa học vẫn cần thực hiện thêm các nghiên cứu trong tình hình mới.
* Kết quả phân tích của một số bệnh viện tại Nhật Bản cho thấy biến thể dòng phụ BA.2 của Omicron đang lây lan mạnh tại Nhật Bản, với các triệu chứng nặng hơn Omicron gốc, đặt ra lo ngại về nguy cơ lây lan ở người cao tuổi bị cho là dễ mắc biến chứng nặng.
Theo kết quả phân tích của bệnh viện Đại học y khoa Tokyo, khoảng 80% bệnh nhân COVID-19 nhập viện này được xác định là nhiễm biến thể BA.2. Hầu hết các bệnh nhân là người trẻ tuổi nhưng có các triệu chứng nặng hơn so với Omicron.
Một bệnh viện khác tại Tokyo là bệnh viện Đại học Showa đã tiến hành giải trình gene của virus đối với tất cả các bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm BA.2 đã tăng từ 10% trong tuần đầu tháng 2 lên mức 80% vào tuần cuối tháng 2, đầu tháng 3.
Khoảng 60% bệnh nhân trong độ tuổi từ 20-30 tuổi, trong đó có trường hợp bệnh nhân chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 bị viêm phổi và phải thở oxy.
Giám đốc bệnh viện Đại học Showa Yasuaki Sagara cho biết biến thể BA.2 gây các triệu chứng bệnh rõ ràng hơn so với Omicron gốc. Ngay cả những người trẻ tuổi cũng có các triệu chứng bệnh rõ, do đó cần chú ý ảnh hưởng của biến thể này đối với những người cao tuổi, nhóm tuổi vốn có nhiều nguy cơ biến chứng nặng hơn.
Về việc BA.2 có thể gây ra viêm phổi đối với những người chưa tiêm vắc xin, ông Yasuaki Sagara cho rằng trường hợp bệnh nhân ghi nhận tại bệnh viện này vốn có sức khỏe tốt.
Vốn dĩ Omicron khó gây ra triệu chứng viêm phổi ở người bệnh, nhưng số bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng viêm phổi có dấu hiệu gia tăng thời gian gần đây, do đó những trường hợp chưa tiêm chủng cần phải chú ý.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)