Dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ngày 28/2, coi đây là động thái tích cực của hai bên.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã hoan nghênh các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành đàm phán.
Mặc dù trước khi đàm phán diễn ra, dư luận đều cho rằng không nên mong đợi kết quả tích cực của cuộc đàm phán đầu tiên này, nhưng việc Nga và Ukraine cùng đối thoại mà không có điều kiện tiên quyết trong khoảng 5 giờ đồng hồ, với 3 vòng đàm phán liên tục và cùng nhìn nhận về triển vọng tích cực, dù là nhỏ, cũng là một tín hiệu đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrillas đã hoan nghênh cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Theo ông, đây là con đường duy nhất dẫn tới giải pháp cho cuộc xung đột tại Đông Âu hiện nay, đồng thời kêu gọi tất cả các bên bảo vệ người dân, tài sản và cơ sở hạ tầng dân sự tại Ukraine.
Trong cuộc đàm phán tại vùng Gomel, gần biên giới Belarus-Ukraine, hai đoàn đàm phán của Nga và Ukraine đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, cũng như nhất trí tiếp tục gặp nhau trong những ngày tới tại một địa điểm gần biên giới Belarus - Ba Lan.
Phát biểu sau đàm phán, Trợ lý Tổng thống, cựu Bộ trưởng Văn hoá Vladimir Medinsky, Trưởng phái đoàn Nga, thông báo hai bên đã xem xét toàn bộ chương trình nghị sự một cách chi tiết và đã tìm ra được những điểm có thể dự đoán các lập trường chung.
Về phía Ukraine, ông Mikhail Podolyak, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết các bên đã xác định được chủ đề ưu tiên để từ đó đề ra các giải pháp cụ thể. Ông cũng xác nhận hai bên sẽ quay trở lại thủ đô của mỗi nước để tham vấn khả năng tổ chức vòng đàm phán thứ hai. Theo ông Podolyak, mục đích chính của Ukraine trong cuộc đàm phán lần này là thảo luận về một lệnh ngừng bắn.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky, thành viên đoàn đàm phán, cho biết thêm lập trường của Nga về kết quả đàm phán với phía Ukraine sẽ được ban lãnh đạo nước này thống nhất trong vòng 24 giờ tới.
Sau đó, Moscow sẽ liên hệ lại với Ukraine và sẽ xác định chính xác thời điểm cho vòng đàm phán tiếp theo. Ông đánh giá đàm phán rất khó khăn và hai bên đã tìm thấy một số điểm quan trọng để có thể đạt được tiến bộ.
Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa an ninh châu Âu và toàn cầu. Việc đạt được đối thoại là một bước tiến đáng ghi nhận, song các bên liên quan cần kiềm chế các bước đi làm leo thang tình hình, tiếp tục đối thoại để sớm tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình cho cuộc xung đột.
Trong diễn biến khác, giới học giả Indonesia cho rằng trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chính phủ Indonesia có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên rơi vào bế tắc. Chuyên gia quan hệ quốc tế, Đại học Padjadjaran, Teuku Rezasyah đánh giá Indonesia có nhiều yếu tố để trở thành trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Thứ nhất, Indonesia là quốc gia có chính sách trung lập và ưu tiên đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế. Thứ hai, Indonesia có độ tín nhiệm cao, đóng vai trò ngày càng tăng trong việc duy trì hòa bình thế giới. Thứ ba, cách giải quyết các cuộc khủng hoảng do Indonesia đề xuất từ trước đến nay thường được sự nhất trí cao của Phong trào Không Liên kết (NAM), Tổ chức hợp tác hồi giáo (OIC) và các nước ưa chuộng hòa bình.
Do đó, ông Teuku khẳng định Indonesia có nhiều cơ hội để trở thành nhà hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nhà quan sát quốc tế đến từ Đại học Hồi giáo Syarif Hidayatullah, Achmad Ubaedilliah cho rằng Chủ tịch G20 có cơ hội và trách nhiệm lớn trong việc kêu gọi hòa bình. Chuyên gia Achmad khuyến nghị Chính phủ Indonesia chủ động đề xuất và tiếp cận hai bên tham chiến.
Mặt khác, Giáo sư Luật quốc tế, Đại học Indonesia (UI), Hikmahanto Juwana cho rằng Indonesia không được coi là địa điểm lý tưởng để tiến hành hòa đàm. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ được ưu tiên tổ chức tại các nước châu Âu do khoảng cách địa điểm phù hợp với hai bên.
Trong khi đó, Indonesia có vị trí khá xa hai nước, cùng với các thủ tục phức tạp phát sinh nếu tổ chức đàm phán tại đây. Tuy nhiên, sau kết quả lần đàm phán thứ nhất tại Belarus giữa hai bên, Giáo sư Juwana cho rằng, tình hình có thể tiếp tục bế tắc. Đó cũng có thể là cơ hội để Indonesia phát huy vai trò nước Chủ tịch G20 làm trung gian hòa bình thế giới nếu được hai nước liên quan chấp nhận.
Theo hãng tin TASS, Bộ phận báo chí Hải quân Ukraine trên trang Facebook thông báo Bulgaria, Ba Lan và Slovakia sẽ chuyển 70 máy bay chiến đấu cho Ukraine, lực lượng có thể đồn trú ở các sân bay tại Ba Lan.
Thông báo nêu rõ: "Nếu cần thiết, số máy bay này có thể đồn trú tại các sân bay của Ba Lan, từ đó phi công Ukraine sẽ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu”. Theo số liệu của nguồn tin, Bulgaria sẽ chuyển 16 chiến đấu cơ MiG-29 và 14 máy bay tấn công mặt đất Su-25, Ba Lan chuyển 28 máy bay MiG-29 còn Slovakia chuyển giao 12 MiG-29.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo những nước cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những vũ khí này được sử dụng trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây. Bên cạnh đó, Bộ ngoại giao Nga khẳng định Moscow sẽ đáp trả các biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện đối với Nga.
Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết giao trang tiếp tục diễn ra ở tỉnh Severia để ngăn binh sĩ Nga tiến vào thủ đô từ hướng đông bắc. Ngoại ô TP Chernigov cũng ghi nhận sự xuất hiện của các nhóm trinh sát của Nga, với sự yểm trợ của xe bọc thép, tìm cách tiến vào thành phố.
Tại các hướng khác, các đơn vị xe tăng và cơ giới của Lực lượng vũ trang Ukraine, với sự yểm trợ của không quân và pháo binh, tiếp tục giao tranh. Tại Slobozhanshchina, các lữ đoàn cơ giới hóa và tiểu đoàn chiến thuật lực lượng tấn công đường không thuộc nhóm tác chiến đang ngăn bước tiến của quân đội Nga và nỗ lực duy trì tuyến phòng thủ đầu tiên.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết thêm trong 24 giờ qua, đã bắn hạ 5 máy bay của Nga. Tuy nhiên, phía Nga chưa có bình luận gì về thông tin này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)