Thứ Tư, 05/02/2025 13:56 CH
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc mở phiên họp đặc biệt về vấn đề Ukraine
Thứ Ba, 01/03/2022 11:42 SA

Binh sĩ Ukraine tìm kiếm đầu đạn chưa phát nổ sau giao tranh với lực lượng Nga tại thủ đô Kiev ngày 26/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 28/2 đã tổ chức phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng Ukraine.

 

Phát biểu tại phiên họp ngay sau phút mặc niệm tưởng nhớ những người thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Ukraine những ngày vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh các bên phải chấm dứt giao tranh ngay lập tức, rút hết quân; lãnh đạo cần tiến hành đàm phán và cần bảo vệ người dân.

 

Ông Guterres cho biết Liên Hợp Quốc đã bổ nhiệm một điều phối viên phụ trách cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như chi ngân quỹ khẩn cấp và tăng cường nhân sự cho các hoạt động nhân đạo tại đây.

 

Về phần mình, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Abdullah Shahid nhấn mạnh Hiến chương Liên Hợp Quốc nêu rõ các nước thành viên phải giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Ông kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực, tôn trọng luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.

 

Sau khi 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc phát biểu ý kiến trong 3 ngày diễn ra phiên họp đặc biệt, Đại Hội đồng sẽ tiến hành bỏ phiếu ngày 2/3 để thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

 

Nếu nhận được 70% phiếu ủng hộ, nghị quyết sẽ được thông qua. Tuy nhiên các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc mang tính biểu tượng là chủ yếu, không có tính ràng buộc thực thi. Đây là phiên họp đặc biệt mà Liên Hợp Quốc mới chỉ tổ chức 11 lần như vậy trong 77 năm thành lập và phát triển.

 

Phiên họp là cơ hội để 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc bày tỏ quan điểm của mình về cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, cũng như lên tiếng thúc đẩy các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia vẫn nhắc lại quan điểm của Nga bác bỏ các cáo buộc của Kiev và các đồng minh, đồng thời khẳng định Nga tiến hành chiến dịch quân sự này để bảo vệ người dân Nga ở miền Đông Ukraine.

 

Phiên họp đặc biệt này được tổ chức theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua sau cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày 27/2 vừa qua.

 

Trong khi đó, cuộc đàm phán về tình hình căng thẳng tại Ukraine giữa Nga và Ukraine diễn ra ngày 28/2 tại vùng Gomel, gần biên giới Belarus - Ukraine đã kết thúc sau gần 5 giờ đồng hồ. Phái đoàn Nga do Trợ lý Tổng thống, cựu Bộ trưởng Văn hóa Vladimir Medinsky dẫn đầu, cùng với Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky và Đại sứ Nga Belarus Boris Gryzlov.

 

Trong khi đó, phái đoàn Ukraine gồm Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov, Chủ tịch Đảng “Phụng sự nhân dân” David Arakhamia, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Mykhailo Podolyak, Thứ trưởng Ngoại giao Mykola Tochisky, Phó trưởng đoàn thứ nhất của Ukraine tham gia tại Nhóm liên lạc ba bên Andrey Kostin và đại biểu quốc hội Rustem Umerov.

 

Tham gia cuộc đàm phán còn có Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei với tư cách người tổ chức.

 

Phát biểu sau đàm phán, Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết hai bên đã xem xét toàn bộ chương trình nghị sự một cách chi tiết và đã tìm ra được những điểm để qua đó dự đoán các quan điểm chung. Theo ông Vladimir Medinsky, hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán.

 

Về phần mình, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak cho biết các bên đã xác định được chủ đề ưu tiên để từ đó đề ra các giải pháp cụ thể.

 

Ông Podolyak cũng xác nhận hai bên sẽ quay trở lại thủ đô của mỗi nước để tham vấn về khả năng tổ chức vòng đàm phán thứ hai. Theo ông Podolyak, mục đích chính của Ukraine trong cuộc đàm phán lần này là thảo luận về một lệnh ngừng bắn. Hai bên thống nhất tổ chức vòng đàm phán tiếp theo trong vài ngày tới ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus.

 

Cùng ngày 28/2, hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot thông báo hủy các chuyến bay đến Cuba, Cộng hòa Dominica, Mexico và Mỹ từ ngày 28/2 đến ngày 2/3 do không phận Canada bị đóng cửa. Theo hãng hàng không Aeroflot, các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương của Aeroflot đến và đi từ Moscow đến La Habana và Varadero ở Cuba; Punta Cana ở Cộng hòa Dominica; Cancún ở Mexico; Los Angeles, Miami, New York và Washington ở Mỹ, đều bị đình chỉ.

 

Aeroflot cho biết khách hàng có thể nhận lại chi phí mua vé tại đại lý, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về các chuyến bay khác của các đường bay nói trên tại website và các tài khoản mạng xã hội chính thức của hãng. Trước đó, hãng hàng không Mỹ Delta Air Lines cũng thông báo đình chỉ thỏa thuận liên danh với Aeroflot.

 

Trong diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28/2 đã khuyến cáo công dân nước này nhanh chóng rời khỏi Nga tại thời điểm chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang ngày thứ 5. Tuyên bố của bộ nêu rõ: "Công dân Mỹ cần xem xét rời khỏi Nga ngay lập tức trên các chuyến bay thương mại hiện có”. Đây là khuyến cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với công dân nước này sau khuyến cáo công dân Mỹ không nên tới Nga được đưa ra trước đó.

 

Tuyên bố nhấn mạnh do các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga hiện nay, Chính phủ Mỹ gặp hạn chế nghiêm trọng trong việc cung cấp các dịch vụ khẩn cấp hỗ trợ công dân Mỹ tại Nga. Khuyến cáo mới được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có lệnh đóng cửa không phận đối với máy bay của Nga, trong khi Moscow cũng đã đáp trả bằng cách cấm các hãng hàng không của 36 quốc gia, trong đó có Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý và Canada, sử dụng không phận của nước này.

 

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo nước này đã đóng cửa Đại sứ quán tại Minsk và cho phép nhân viên không thuộc bộ phận khẩn cấp cùng thân nhân gia đình được rời khỏi Đại sứ quán Mỹ tại Moscow.

 

Liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm vào các trang thông tin điện tử của các hãng thông tấn, báo chí Nga trong vài ngày qua, nhóm tin tặc Anonymous đã nhận là thủ phạm gây ra sự gián đoạn trên các trang này.

 

Nhóm này tuyên bố đã tấn công các trang web của hai hãng thông tấn TASSRIA, cũng như trang điện tử của một số tờ báo như Kommersant, IzvestiyaForbes tiếng Nga. Nhóm sau đó đăng tải lời nhắn nhủ kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự.

 

Vương quốc Anh ngày 28/2 cho biết nước này sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, tuyên bố sẽ "đóng băng toàn bộ tài sản" đối với tất cả các ngân hàng Nga. Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Liz Truss cho biết việc đóng băng sẽ có hiệu lực "trong vài ngày tới" như một phần của một luật mới nhằm siết chặt kinh tế Nga do hành động làm gia tăng căng thẳng với Ukraine.

 

Việc đóng băng tài sản các ngân hàng Nga sẽ ngăn cản Điện Kremlin huy động vốn ở Anh và khiến hơn 3 triệu doanh nghiệp không thể tiếp cận thị trường vốn nước này. Ngoại trưởng Truss nói "Ngay sau khi luật này có hiệu lực, chúng tôi sẽ áp dụng cho Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga. Những "gã khổng lồ" toàn cầu như Gazprom cũng sẽ không thể phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ở London”.

 

Bà Truss cho biết Anh muốn "một tình huống mà Nga không thể tiếp cận vốn của mình, thương mại không thể hoạt động suôn sẻ, tàu không thể cập cảng và máy bay không thể hạ cánh". Bà Truss cũng cam kết sẽ cấm "thiết bị công nghệ cao cấp như thiết bị điện tử vi mô, và thiết bị hàng hải và định vị".

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek