* Kháng thể cao không đảm bảo miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2
Ngày 19/2, nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố dữ liệu về hiệu quả và các tác dụng phụ đối với người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ ba cùng và khác chủng loại với hai mũi tiêm trước đó.
Nghiên cứu được thực hiện đối với 2.826 người tiêm mũi thứ ba là vắc xin của hãng Pfizer/Biontech và 773 người tiêm mũi thứ ba của hãng Moderna sau khi tất cả đều tiêm mũi thứ hai của hãng Pfizer.
Về hiệu quả, theo dõi trong vòng 1 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba, mức tăng kháng thể đối với người tiêm vắc xin của hãng Pfizer/Biontech là 54,1%, trong khi tỉ lệ này là 67,9% đối với người tiêm vắc xin của hãng Moderna.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả đối với biến thể Omircon của virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm mũi thứ ba cũng cao hơn so với người chỉ tiêm hai mũi vắc xin.
Về tác dụng phụ, đối với người tiêm mũi thứ ba vắc xin của hãng Pfizer/Biontech có 21,4% sốt trên 38 độ C, 69,1% đau nhức toàn thân và 55% có biểu hiện đau đầu.
Trong khi chỉ số tương tự đối với người tiêm mũi thứ ba vắc xin của hãng Moderna lần lượt là 49,2%, 78% và 69,5%.
Các biểu hiện này rõ nhất chủ yếu vào ngày thứ hai sau khi tiêm chủng và giảm dần vào các ngày sau đó.
Ngoài ra, có 2 trường hợp nghi gây ra tác dụng phụ về viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin của hãng Pfizer/Biontech nhưng không nghiêm trọng, trong khi không ghi nhận trường hợp tương tự nào ở người tiêm vắc xin của hãng Moderna.
Theo Giáo sư Suminobu Ito, giảng viên Đại học Y Juntendo, thành viên nhóm nghiên cứu, dường như mức độ sinh kháng thể đang tỉ lệ nghịch với mức độ gây tác dụng phụ khi tiêm vắc xin mũi thứ ba cùng và khác loại.
Tức là tiêm cùng loại vắc xin sinh kháng thể ít hơn nhưng cũng ít nguy cơ tác dụng phụ hơn, trong khi tiêm khác loại vắc xin sinh nhiều kháng thể hơn nhưng nguy cơ tác dụng phụ lại cao hơn.
Do đó, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân, người dân có thể lựa chọn các loại vắc xin phù hợp để tiêm mũi thứ ba phòng ngừa COVID-19.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến hết ngày 18/2, đã có 169.146 người ở nước này đã tiêm liều vắc xin thứ ba, tương đương tỉ lệ 12,6% dân số.
Trong đó, 71,9% lựa chọn vắc xin của hãng Pfizer/Biontech và 28,1% tiêm vắc xin của hãng Moderna.
* Các mức kháng thể trong máu không đem lại thông tin chính xác về việc một người có được bảo vệ trước COVID-19 hay không. Nói cách khác, có mức kháng thể cao không phải là sự đảm bảo rằng bạn miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2.
Đó là nhận định của giáo sư Bruce Y. Lee, giáo sư về chính sách y tế và quản lý tại trường Y tế cộng đồng, thuộc Đại học City University of New York (CUNY), đăng trên tạp chí Forbes ngày 19/2.
Theo giáo sư Lee, việc đo kháng thể chống virus SARS-CoV-2 ngày càng phổ biến kể từ khi các loại vắc xin ngừa COVID-19 ngày càng nhiều hơn. Vào năm 2020, việc xét nghiệm này là cách duy nhất để cho biết liệu bạn có được bảo vệ ở mức nào đó trước COVID-19.
Nhưng câu chuyện không còn đơn giản như vậy tại Mỹ kể từ tháng 12/2020, khi việc tiêm vắc xin bắt đầu. Việc này khiến một số người lầm tưởng về ý nghĩa của xét nghiệm này và tạo ra một cơ hội thu lợi giữa đại dịch cho một số đối tượng.
Các xét nghiệm này được gọi là xét nghiệm huyết thanh, cho biết mức kháng thể trong huyết thanh của người xét nghiệm, hoàn toàn khác với các loại xét nghiệm kháng thể trong các loại dịch khác trong cơ thể, như xét nghiệm bằng nước tiểu hay bằng tinh dịch.
Có hai loại xét nghiệm kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trong huyết thanh: loại xét nghiệm chất lượng sẽ nói cho bạn biết liệu trong máu của bạn có kháng thể hay không, và loại xét nghiệm số lượng sẽ cung cấp mức kháng thể trong máu.
Tuy nhiên, bạn không cần phải làm xét nghiệm này ngay cả khi nó là hợp pháp. Bởi cả hai thông tin trên đều không nói lên mức độ bạn được bảo vệ trước đại dịch COVID-19.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)