Theo bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 hoành hành thế giới hơn 2 năm qua vẫn chưa thể kết thúc do có thể sẽ có thêm biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh.
Phát biểu ngày 11/2 trong chuyến đi cùng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, thị sát các cơ sở sản xuất vắc xin tại Nam Phi, bà Swaminathan nhấn mạnh: "Chúng ta chứng kiến virus tiến hóa, đột biến... chúng ta biết sẽ có thêm biến thể và thêm biến thể gây quan ngại, chúng ta chưa ở thời điểm đại dịch kết thúc”.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ ngày 11/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 407 triệu ca mắc COVID-19 và gần 5,8 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân hồi phục là hơn 324 triệu người. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 79 triệu ca mắc và 935.922 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ - 42,5 triệu ca mắc và 506.549 ca tử vong, Brazil ghi nhận hơn 27,1 triệu ca mắc và 635.189 ca tử vong.
Tại Đức, phát biểu trước Hội đồng Liên bang Đức ngày 11/2, Thủ tướng nước này Olaf Scholz cho biết hội nghị giữa lãnh đạo chính quyền trung ương và các địa phương, dự kiến tổ chức vào tuần tới, có thể lần đầu tiên thảo luận việc nới lỏng quy định phòng, chống đại dịch COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo cần tiếp tục thận trọng trong thời gian tới.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời Thủ tướng Scholz cho biết các dự báo khoa học cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19 tại nước này, chủ yếu do biến thể mới Omicron gây ra, sắp lên tới đỉnh điểm.
Điều này cho phép nhà chức trách tính tới "những bước mở cửa đầu tiên" cũng như những bước đi tiếp theo cho mùa xuân.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Đức bày tỏ ý định rõ ràng về kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz chưa cho biết biện pháp nào sẽ được nới lỏng và điều quan trọng là giới chức Đức sẽ lắng nghe ý kiến của hội đồng chuyên gia để không mạo hiểm với những thành công trong cuộc chiến chống đại dịch cho đến nay.
Ông cũng cho biết những biện pháp hiện nay đã góp phần đưa Đức dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế do biến thể Omicron, cũng như giữ cho hệ thống y tế không bị quá tải. Tuy nhiên, Đức cũng sẽ tiếp tục thận trọng và sẵn sàng trong trường hợp số ca nhiễm mới gia tăng mạnh trở lại, vì cho tới nay vẫn có hàng triệu người cao tuổi ở nước này chưa tiêm chủng.
Cùng ngày, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức đã bác đơn khẩn cấp chống lại việc tiêm chủng bắt buộc trong ngành điều dưỡng. Như vậy, kế hoạch tiêm chủng bắt buộc theo ngành, nghề đã được "bật đèn xanh" và việc tiêm chủng bắt đối với các nhân viên y tế và điều dưỡng viên có thể được thực hiện theo kế hoạch là từ giữa tháng tới.
Quy định này bắt buộc với nhân viên trong các viện dưỡng lão, phòng khám, cơ sở y tế, vật lý trị liệu... Từ nay tới ngày 15/3, những người làm việc trong các cơ sở trên phải tiêm vắc xin ngừa COVID-19 (trừ các trường hợp không thể tiêm vì lý do y tế). Sau thời điểm trên, họ phải chứng minh đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc đã bình phục sau khi nhiễm bệnh.
Ngày 11/2, các nhóm nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền ở Đức đã công bố dự thảo luật tiêm chủng bắt buộc với người trên 18 tuổi. Theo kế hoạch, từ ngày 1/10 tới, tất cả người lớn tạm trú hoặc thường trú tại Đức phải có chứng nhận đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin hoặc đã bình phục. Luật sẽ có hiệu lực trước mắt đến ngày 31/12/2023.
Theo thông báo của Viện Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 240.172 ca nhiễm mới và 226 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân lên mức cao kỷ lục 1472,2.
Tại Mỹ, quyết định cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ nhỏ dưới 4 tuổi sẽ phải trì hoãn ít nhất 2 tháng sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố cần thêm các dữ liệu thử nghiệm để đưa ra khuyến nghị chính thức.
Trong tuyên bố ngày 11/2, FDA cho biết cơ quan này đã đánh giá các thông tin mới từ cuộc thử nghiệm mà Pfizer/BioNTech đã gửi kèm cùng với đơn xin cấp phép, tuy nhiên cơ quan này khẳng định cần thêm nhiều dữ liệu đánh giá hơn trước khi có quyết định.
Theo kế hoạch trước đó, FDA dự định trong tuần tới sẽ đưa ra ra khuyến nghị sử dụng loại vắc xin trên cho trẻ sơ sinh và trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi và Chính phủ Mỹ sẽ triển khai chương trình tiêm chủng dành cho trẻ nhỏ từ ngày 21/2.
FDA trước đó đã yêu cầu Pfizer đẩy nhanh quá trình xin cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ nhỏ này do biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca nhiễm mới, đặc biệt ở trẻ em.
Đầu tháng Hai, Pfizer/BioNTech đã xúc tiến quy trình cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của hãng cho nhóm đối tượng trẻ nhỏ theo yêu cầu của FDA. Tuy nhiên, hãng dược phẩm này không công khai dữ liệu đánh giá về hiệu quả của vắc xin họ đối với nhóm đối tượng này.
Việc Pfizer/BioNTech đẩy nhanh việc xin cấp phép là khá bất ngờ bởi hồi tháng 12/2021, hai công ty dược phẩm này ra thông báo cho biết hiệu quả thử nghiệm không được như mong muốn và hãng sẽ điều chỉnh các cuộc thử nghiệm với mũi 3.
Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, chính phủ Canada đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ yêu cầu phải giải quyết các cuộc biểu tình chống vắc xin đang ảnh hưởng đến nền kinh tế ở cả hai quốc gia.
Cuộc biểu tình ban đầu tập trung phản đối quy định của chính phủ Canada yêu cầu những người lái xe tải xuyên biên giới bắt buộc phải tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nhưng sau đó đã mở rộng thành một phong trào lớn hơn nhằm chống lại các biện pháp y tế công cộng vốn được áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
"Đoàn xe Tự do" của các lái xe tải Canada đã chặn cầu Ambassador (nối Detroit, Michigan, với Windsor, Ontario) vào đầu tuần này, và khiến hai cửa khẩu nhỏ hơn phải đóng cửa. Việc cầu Ambassador - cửa khẩu quốc tế nhộn nhịp nhất Bắc Mỹ và là tuyến cung ứng chủ chốt cho các nhà sản xuất ôtô ở Detroit - bị phong tỏa đã khiến một số hoạt động sản xuất ôtô bị đình trệ.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)