Số ca mắc mới COVID-19 tại Singapore tăng vọt sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, lần đầu tiên vượt trên 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, với số người nhập viện điều trị cũng như số ca tử vong đều gia tăng.
Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn số liệu của Bộ Y tế nước này cho biết trong ngày 4/2, Singapore ghi nhận 13.046 ca mắc mới, tăng hơn gấp 3 so với một ngày trước đó (4.087 ca), nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên thành 379.681 ca.
Đa số ca bệnh mới là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ có 162 ca là các trường hợp nhập cảnh. Cùng ngày, với 6 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Singapore đã tăng lên thành 866 ca.
Cũng theo số liệu của Bộ Y tế Singapore, tính đến hết ngày 4/2, Singapore có 998 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, tăng nhẹ từ mức 932 ca một ngày trước và trong đó có 15 ca phải điều trị tích cực (ICU).
Hiện có 92% dân số Singapore đã tiêm đủ các mũi cơ bản vắc xin ngừa COVID-19, trong đó 59% đã được tiêm mũi tăng cường.
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh, ngày 3/2, Bộ Y tế Singapore cho biết Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) đã phê chuẩn sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer để điều trị bệnh nhân COVID-19. Lô thuốc đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển tới Singapore trong tháng 2 này.
Dữ liệu tới nay cho thấy thuốc Paxlovid có tác dụng giảm nguy cơ nhập viện hoặc nguy cơ tử vong lên tới 88,9% nếu được sử dụng trong vòng 3 ngày kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng. Đây là loại thuốc uống đầu tiên được phê chuẩn sử dụng tại Singapore để điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình nhưng có nguy cơ cao chuyển nặng nhằm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
Hiện tại, HSA cũng đang đánh giá về loại thuốc uống kháng virus khác là Molnupiravir do hãng được phẩm MeRck&Co. của Mỹ phát triển. Singapore đã ký hợp đồng với hãng này từ tháng 10/2021.
Tại Thái Lan, ngày 4/2, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Thái Lan (FDA) thông báo đã phê chuẩn tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hai hãng sản xuất dược phẩm Trung Quốc Sinovac và Sinopharm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng cường "lá chắn" phòng chống COVID-19.
Trước đó, FDA Thái Lan chỉ mới cấp phép tiêm vắc xin của các hãng trên cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, vào tháng 12/202, cơ quan này cũng đã "bật đèn xanh" cho phép tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Về tình hình dịch bệnh cùng ngày, Trung tâm xử lý tình hình dịch bệnh COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan (CCSA) cho biết, nước này ghi nhận 9.909 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn 3 tháng qua, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên hơn 2,47 triệu ca.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 4/2 cho biết đang cân nhắc kéo dài thời gian chờ giữa hai mũi tiêm vắc xin lên 8 tuần nhằm giảm nguy cơ mắc chứng viêm cơ tim và cải thiện hiệu quả của các loại vắc xin đang được sử dụng rộng rãi tại Mỹ. Tiến sĩ Sara Oliver, một quan chức CDC, cho biết cơ quan này đang cân nhắc đưa ra khuyến nghị về các mũi tiêm vắc xin của hãng dược phẩm Moderna và Pfizer/BioNTech tại một cuộc họp của Ủy ban Tư vấn về miễn dịch, gồm các chuyên gia cố vấn bên ngoài cho CDC.
Tại Mỹ, thời gian khuyến nghị hiện nay giữa mũi tiêm thứ nhất bằng vắc xin của Pfizer là 3 tuần và bằng vắc xin của hãng Moderna là 4 tuần. Tiến sĩ Oliver cho biết việc kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm dường như sẽ giảm nguy cơ đối với một số hiếm ca viêm cơ tim và tỉ lệ viêm cơ tim sau tiêm sẽ được giảm xuống mức thấp nhất nếu mũi vắc xin thứ hai được tiêm sau mũi một 8 tuần.
Viêm cơ tim là phản ứng phụ hiếm gặp với vắc xin theo công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna. Hiện tượng này chủ yếu xuất hiện ở nam giới trẻ tuổi. Bác sĩ Oliver cũng cho biết việc tăng thời gian chờ giữa hai mũi tiêm cũng sẽ giúp tăng hiệu quả của vắc xin.
Tuy nhiên, bà Oliver cho biết nếu CDC thay đổi khuyến nghị về việc này, vẫn có một số đối tượng cần rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm, nhất là các nhóm mà lợi ích của việc bảo vệ trước COVID-19 cao hơn nguy cơ mắc chứng viêm cơ tim.
Việc CDC cân nhắc khuyến nghị trên diễn ra sau khi hơn 212 triệu người Mỹ đã tiêm đủ các mũi vắc xin cơ bản. Tuy nhiên, bà Olivier cho biết hiện vẫn còn khoảng 33 người chưa tiêm, ở độ tuổi từ 12-39 tuổi, chính là độ tuổi có nguy cơ cao mắc chứng viêm cơ tim sau tiêm.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, CDC đã ủng hộ quyết định của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép chính thức cho vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna cho người từ 18 tuổi trở lên.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)