Ngày 5/1, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thông báo quyết định cho phép người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tự cách ly ở nhà trong một số trường hợp nhất định.
Bộ trưởng MHLW Shigeyuki Goto nêu rõ các địa phương có thể cho phép người nhiễm biến thể Omicron cách ly tại nhà hoặc tại các cơ sở lưu trú chỉ định, với điều kiện địa phương đó đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết cho việc điều trị tại nhà như có thuốc chữa COVID-19 dạng uống.
Văn bản hướng dẫn trước đó của MHLW quy định tất cả những người nhiễm biến thể Omicron đều phải nhập viện. Cùng với việc sửa đổi quy định về điều trị cho người nhiễm biến thể Omicron, MHLW cũng nới lỏng quy định tất cả những người có tiếp xúc gần với người nhiễm biến thể Omicron phải cách ly ở các cơ sở lưu trú chỉ định.
Cụ thể, theo hướng dẫn mới, các đối tượng này có thể tự cách ly ở nhà nếu tỉ lệ sử dụng giường ở các bệnh viện hoặc cơ sở lưu trú chỉ định dành cho bệnh nhân COVID-19 vượt quá 50% trong 3 tuần. Các quyết định trên được MHLW đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản đang có xu hướng tăng trở lại do sự lây lan biến thể Omicron trong cộng đồng.
Ngày 5/1, Nhật Bản ghi nhận 2.638 ca mắc mới, tăng hơn gấp đôi so với một ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 26/9/2021 số ca mắc mới ở nước này vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày. Đáng chú ý, số ca mắc mới COVID-19 ở tỉnh Okinawa, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, đã vượt ngưỡng 600 ca/ngày lần đầu tiên kể từ ngày 28/8/2021.
Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh COVID-19, ngày 5/1, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét áp dụng biện pháp chống dịch trọng điểm tại 3 địa phương gồm Okinawa, Yamaguchi, Hiroshima. Cụ thể, trên cơ sở tình hình dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nghiêm trọng tại tỉnh Okinawa, Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc đối với kiến nghị của chính quyền tỉnh áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm tại đây.
Bên cạnh đó, biện pháp này cũng có thể sẽ được áp dụng tại tỉnh Yamaguchi, chủ yếu tại thành phố Iwakuni nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ, cùng với tỉnh lân cận là Hiroshima.
Nếu biện pháp trọng điểm phòng dịch được áp dụng trong vài ngày tới, đây sẽ là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản tái áp đặt biện pháp phòng dịch từ ngày 30/9/2021, theo đó, các cơ sở ăn uống sẽ được yêu cầu rút ngắn thời gian phục vụ trong ngày và từ chối phục vụ những khách hàng không chấp hành quy định về đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn...
Dự kiến, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ thảo luận với Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Shigeyuki Goto và Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Daishiro Yamagiwa (phụ trách ứng phó với dịch bệnh COVID-19) vào ngày 6/1 và có thể đưa ra quyết định chính thức vào ngày 7/1 trên cơ sở tham vấn ý kiến các chuyên gia.
Pháp đang là điểm nóng của dịch COVID-19 tại châu Âu khi liên tục ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy trong 2 ngày qua. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết trong 24 giờ ngày 5/1, nước này có thêm 335.000 ca mắc COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca ghi nhận trong ngày tại Pháp vượt 300.000 ca và vượt "kỷ lục" 271.686 ca của ngày trước đó. Chia sẻ với báo giới, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal nhận định cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn cả chặng đường dài.
Ông cho biết trong 2 tuần qua, tỉ lệ ca nhiễm mới tại Pháp đã tăng gấp 3 lần và vượt 1.800 ca/100.000 dân. Hiện hệ thống bệnh viện của nước này đều trong tình trạng quá tải và đa số các bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong phòng điều trị tích cực là người chưa tiêm vắc xin. Theo ông Attal, hiện có gần 20.000 bệnh nhân COVID-19 trong các bệnh viện và nước này mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân mới. Ông cảnh báo tình hình sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong vài tuần tới.
Trước diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng tại Pháp, ông Attal cũng đã công bố một số quyết định của Hội đồng Bộ trưởng nước này, trong đó có quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp y tế tại các vùng lãnh thổ hải ngoại. Cùng với đó, Pháp sẽ phân phối 8 triệu bộ tự xét nghiệm cho các nhà thuốc vào tuần tới để người dân chủ động test nhanh xác định tình trạng sức khỏe của bản thân.
Trong cuộc họp ngày 5/1, Chính phủ Ý đã thông qua một sắc lệnh mới nhằm ứng phó đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước này.
Tất cả người dân Ý trên 50 tuổi đều phải tiêm chủng; người trên 50 tuổi và đi làm (kể từ ngày 15/2) phải xuất trình “siêu thẻ xanh”, chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh, chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ do yếu tố sức khỏe được bác sĩ xác nhận.
Trong khi đó, nội dung đề xuất của Bộ Y tế về áp dụng “siêu thẻ xanh” đối với tất cả người lao động đã không được thông qua, chủ yếu do sự phản đối của đảng Liên đoàn. Thay vào đó, sắc lệnh chỉ yêu cầu thẻ xanh cơ bản, bao gồm cả kết quả xét nghiệm âm tính, đối với người lao động và khách hàng trong một số lĩnh vực như dịch vụ cá nhân, dịch vụ thương mại, trung tâm mua sắm, công sở, dịch vụ công cộng...
Tại cuộc họp, Chính phủ Ý cũng nhất trí cho phép các trường học mở cửa trở lại từ ngày 10/1 cùng những biện pháp phòng dịch được phân cấp chi tiết. Đối với nhóm học sinh mầm non, toàn bộ lớp học sẽ thực hiện cách ly nếu phát hiện ít nhất 1 ca dương tính.
Trong khi đó, cách ly (7 ngày) được áp dụng đối với nhóm tiểu học nếu lớp có 2 ca dương tính, vẫn học trực tiếp kết hợp xét nghiệm giám sát nếu chỉ có 1 ca dương tính.
Đối với nhóm học sinh trung học, lớp thực hiện giám sát chặt chẽ nếu có 1 ca dương tính; bắt buộc đeo khẩu trang FFP2 nếu tăng lên 2 ca; tất cả học sinh chưa tiêm chủng phải học từ xa trong trường hợp có 3 ca; cả lớp phải cách ly nếu có 4 ca trở lên. Ngoài ra, Chính phủ Ý cũng đã thông qua kế hoạch tiêm mũi vắc xin tăng cường cho nhóm trẻ từ 12-15 tuổi.
Cuộc họp của chính phủ Ý được triệu tập trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này liên tục gia tăng và đã lên tới 189.109 ca mới trong ngày 5/1. Sau cuộc họp, Thủ tướng Ý Mario Draghi khẳng định mục đích của các biện pháp mới này là nhằm duy trì hoạt động bình thường của các bệnh viện, trường học và các cơ sở kinh doanh, hạn chế tốc độ gia tăng số ca nhiễm và thúc đẩy người dân tham gia tiêm chủng theo quy định.
Trong khi đó, biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng và trở thành biến thể chiếm đa số trong các ca mắc COVID-19 hiện nay tại Đức. Tuy nhiên, số ca nhập viện trong tháng 1/2022 có chiều hướng giảm bất chấp số ca nhiễm mới được ghi nhận ở mức cao kỷ lục trong tháng 12 vừa qua.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho biết số ca nhập viện do COVID-19 ở Đức đang có xu hướng giảm, ngay cả khi số ca mắc mới tiếp tục tăng và biến thể Omicron ngày càng phổ biến.
Đức đã ghi nhận 58.912 ca mắc mới trong 24 giờ qua và RKI cảnh báo kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới vừa qua có thể làm tăng số ca mắc mới trong các thống kê chậm, thậm chí có thể làm sai lệch số ca mắc hằng ngày.
Theo RKI, số ca mắc mới liên tục lập kỷ lục buồn kể từ đầu tháng 12, trong đó số ca được xác nhận nhiễm biến thể Omicron tiếp tục tăng mạnh, với hơn 35.000 trường hợp, nhiều hơn gấp 3 lần so với số ca ghi nhận chỉ một tuần trước.
Giới chức y tế cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều, vì chỉ một phần nhỏ các xét nghiệm được giải trình tự gien để xác định các biến thể. Hiện Omicron đã là biến thể chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 tại các bang Schleswig-Holstein và Niedersachsen. Tại thủ đô Berlin, số ca mắc biến thể Omicron ước tính chiếm khoảng 44% tổng số ca mắc.
Tại Anh, phóng viên TTXVN tại London dẫn số liệu chính thức của chính phủ công bố ngày 5/1 cho thấy, cứ 20 người Anh thì có hơn 1 người mắc COVID-19. Đây là tỉ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát tại Xứ sở sương mù.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ước tính có khoảng 3,7 triệu người Anh mắc COVID-19 trong tuần cuối cùng của năm 2021, so với 2,3 triệu người vào tuần trước, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang lan nhanh trên toàn quốc.
Theo ONS, tỉ lệ các ca mắc mới tiếp tục tăng ở tất cả các nhóm tuổi trong tuần kết thúc vào ngày 31/12/2021, trong đó tỉ lệ cao nhất được ghi nhận ở trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh niên. Thủ đô London ghi nhận tỉ lệ mắc cao nhất, với tỉ lệ 1/10 người. Tại vùng England, ước tính cứ 15 người trong cộng đồng thì có một người mắc COVID-19.
Tại Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, nơi áp dụng trở lại một số hạn chế phòng dịch trong những tuần gần đây, tỉ lệ thấp hơn một chút, ở mức 1/20-1/25 người.
Ngày 5/1, Bộ Y tế Argentina cho biết nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020 với 95.159 trường hợp dương tính mới trong bối cảnh làn sóng thứ ba của căn bệnh này đang bùng phát mạnh kể từ đầu tháng 12/2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trước đó một ngày, Argentina cũng lần đầu tiên xác định số ca nhiễm mới trong ngày lên tới 81.210 trường hợp, cao gần gấp đôi so với con số trong ngày cao nhất của tuần trước. Như vậy, đến nay Argentina đã ghi nhận tổng cộng hơn 5,9 triệu ca mắc COVID-19.
Ngoài ra, Bộ Y tế Argentina cũng cho biết đã có 52 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua và là con số cao nhất kể từ ngày 12/10/2021, đưa tổng số người tử vong do COVID-19 kể từ đầu dịch đến nay lên 117.346 trường hợp.
Theo lý giải của giới chức y tế Argentina, số lượng ca nhiễm mới tăng mạnh trong thời gian vừa qua rơi vào đúng giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Hè ở Nam Bán cầu và hàng trăm nghìn người đã di chuyển tới các điểm du lịch trên cả nước khi các biện pháp hạn chế hầu như đã được dỡ bỏ.
Điểm mới duy nhất trong các biện pháp phòng chống dịch là việc Chính phủ Argentina yêu cầu bắt buộc kể từ ngày 1/1 phải xuất trình giấy chứng nhận hoàn tất phác đồ tiêm chủng đối với những người tham gia các hoạt động được cho là có “nguy cơ dịch tễ” như các sự kiện đông người tại các điểm công cộng trong nhà và ngoài trời.
Mặc dù vậy, Chính phủ Argentina vẫn không có ý định siết chặt các biện pháp hạn chế như trước đây vì cho rằng đa phần các ca nhiễm mới đều ở thể nhẹ và đều tự khỏi bệnh sau thời gian cách ly.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)