* Nhật Bản và Mỹ ấn định thời gian tổ chức đối thoại chiến lược '2+2'
Ngày 5/1, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố sẽ không từ bỏ hy vọng đối thoại với Triều Tiên, bất chấp vụ phóng vật thể bay không xác định trước đó cùng ngày của Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt tại một thị trấn biên giới liên Triều, Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi Triều Tiên thực hiện các nỗ lực đối thoại nghiêm túc nhất.
Ông cho biết: "Sáng nay, Triều Tiên đã phóng thử một vật thể bay tầm ngắn không xác định. Vì thế, xuất hiện quan ngại rằng căng thẳng có nguy cơ leo thang và thế bế tắc trong quan hệ liên Triều có thể càng thêm nghiêm trọng". Tuy nhiên, để khắc phục về căn bản tình trạng này, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố Hàn Quốc không nên từ bỏ đối thoại.
Trước đó, trong sáng cùng ngày, Triều Tiên đã phóng một vật thể bay được cho là tên lửa đạn đạo hướng ra biển Nhật Bản. Đây là hành động phô diễn lực lượng đầu tiên của Bình Nhưỡng trong năm 2022.
Trong trường hợp vật thể bay này được xác định là tên lửa, đây sẽ là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) hồi tháng 10 năm ngoái.
Liên quân Hàn - Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các động thái liên quan của Triều Tiên và duy trì tư thế sẵn sàng trước khả năng Triều Tiên thực hiện thêm các vụ phóng. Tờ Busan Ilbo đã dẫn nhận định của giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng việc Triều Tiên tiến hành vụ phóng vào đầu Năm mới cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ gia tăng trong năm 2022.
Theo báo này, Bình Nhưỡng đã thể hiện ý định tăng cường tiềm lực quân sự trong phiên họp toàn thể cuối năm của đảng Lao động và vụ phóng vật thể bay chưa xac định (được cho là tên lửa đạn đạo) trong những ngày đầu năm mới là tín hiệu cho thấy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên có xu hướng thiên về đối đầu hơn đối thoại.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác là vụ thử diễn ra một tháng trước khi khai màn Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, dự kiến vào ngày 4/2 tới. Truyền thông Hàn Quốc cho rằng điều này được hiểu là Triều Tiên sẽ tập trung vào việc tăng cường tiềm lực quân sự. Vụ phóng cũng được cho là nhằm củng cố mặt trận đoàn kết trong nước trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên ngày càng trở nên khó khăn hơn do các biện pháp phong tỏa biên giới để phòng chống dịch COVID-19.
Trong diễn biến khác, Chính phủ Nhật Bản ngày 5/1 thông báo các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng nước này sẽ hội đàm với những người đồng cấp Mỹ theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ đối thoại "2+2" vào ngày 7/1 tới để thảo luận về các vấn đề an ninh. Thông báo này được được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên đã tiến hành phóng dường như là một tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản.
Trong thông báo phát ngày 5/1, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết phía Nhật Bản tham dự đối thoại này có Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, trong khi phía Mỹ có sự tham gia của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Tại cuộc đối thoại lần này, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước dự kiến sẽ thảo luận về các thách thức an ninh mà hai nước đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, các quan chức cũng sẽ thảo luận về sự hợp tác trong tương lai hướng tới hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), tăng cường khả năng răn đe và ứng phó của liên minh Nhật - Mỹ, và định hướng hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước ở khu vực này.
Giới chức chính phủ Nhật Bản cho biết theo kế hoạch ban đầu, cuộc đối thoại này sẽ diễn ra trực tiếp tại Washington vào ngày 7/1. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh của biến thể Omicron ở Mỹ đã buộc giới chức hai nước chuyển sang hình thức đối thoại trực tuyến.
Đây sẽ là Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng đầu tiên giữa hai nước kể từ sau khi Nhật Bản chuyển giao từ chính quyền Thủ tướng Suga Yoshihide sang chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)