Thứ Ba, 21/01/2025 17:05 CH
COVID-19: Các nước vùng Vịnh đối mặt với làn sóng lây nhiễm mạnh
Thứ Tư, 05/01/2022 11:27 SA

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Dubai, UAE. Ảnh: AFP/TTXVN

Làn sóng lây lan dịch bệnh COVID-19 đang tăng mạnh tại một số quốc gia vùng Vịnh, trong đó số ca mắc mới trong 2 ngày qua tại Ả-rập Xê-út đã tăng hơn 2 lần, lên hơn 2.500 trường hợp.

 

Cả 6 quốc gia vùng Vịnh đều xác nhận có ca nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên số liệu dịch bệnh công bố hàng ngày không nêu chi tiết về số ca nhiễm từng biến thể của virus SARS-CoV-2.

 

Ả-rập Xê-út là quốc gia lớn nhất khu vực với dân số khoảng 30 triệu người, trong ngày 4/1 đã ghi nhận 2.585 ca mắc COVID-19, so với khoảng 1.000 ca công bố hôm 2/1. Tuy nhiên, số liệu này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch hồi tháng 6/2021 với 4.700 ca/ngày.

 

Trước đó hôm 30/12/2021, chính quyền Ả-rập Xê-út đã áp dụng lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Nước này cũng đã khuyến nghị người dân hạn chế xuất cảnh trong những trường hợp chưa thực sự cần thiết.

 

Trong khi đó, nước láng giềng Qatar ghi nhận 1.695 ca mắc mới trong ngày 4/1, cao nhất kể từ mùa Hè năm 2021. Những ngày qua, người dân Qatar đã xếp hàng dài tại các điểm chờ xét nghiệm kháng nguyên (PCR) và từ tháng 1/2022, nước này cũng tái áp dụng quy định học trực tuyến đối với học sinh.

 

Người đứng đầu cơ quan tiêm phòng vắc xin của Qatar Soha al-Bayat cho biết, làn sóng lây nhiễm trong 2 tuần qua là do liên quan biến thể Omicron và nhiều ca mới ghi nhận là do chưa được tiêm chủng, trong đó có trẻ em và những người đã tiêm hai mũi từ hơn 6 tháng trước đó.

 

Trung tâm thương mại và du lịch của khu vực, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cũng ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày vượt mốc 2.500 từ hôm 2/1. Hiện UAE đang đăng cai tổ chức triển lãm thế giới trong tháng cao điểm của mùa du lịch.

 

Kuwait trong ngày 4/1 ghi nhận 1.492 ca mắc mới, tương đương mức độ dịch hồi tháng 7/2021. Trước đó, chính quyền nước này đã cấm các sự kiện tập trung đông người và đóng cửa không phận cho đến ngày 28/2 tới.

 

Bahrain từ tháng 5/2021 đã đạt đỉnh dịch với khoảng 3.000 ca/ngày sau đó giảm xuống còn khoảng 100 ca/ngày từ tháng 7 cùng năm. Đến ngày 4/1/2022, Bahrain này ghi nhận gần 900 ca mắc mới. Nước này từ tháng 12/2021 cũng đã hạn chế các hoạt động không thiết yếu đối với những người đã được tiêm chủng vắc xin đầy đủ.

 

Trong diễn biến khác, ngày 4/1, Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp về tiêm phòng và miễn dịch Anh (JVCI), Giáo sư Andrew Pollard cho rằng không nên tiêm mũi vắc xin thứ 4 ngừa COVID-19 cho đến khi có thêm bằng chứng về hiệu quả, đồng thời cảnh báo rằng việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người dân 6 tháng/lần không phải là giải pháp bền vững.

 

Trả lời phỏng vấn của báo Telegraph, Giáo sư Pollard cho rằng trong tương lai cần tập trung tiêm mũi tăng cường cho những người dễ mắc COVID-19, thay vì tiêm cho tất cả những người trên 12 tuổi.

 

Theo ông, việc cố gắng ngăn chặn tuyệt đối tình trạng lây nhiễm là vô nghĩa vì đến một lúc nào đó xã hội phải mở cửa trở lại. Khi mở cửa, sẽ có giai đoạn số ca nhiễm tăng mạnh, vì vậy có lẽ mùa đông không phải là thời điểm tốt nhất để mở cửa trở lại. Giáo sư Pollard khẳng định: "Tình trạng tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng ta. Chúng ta chỉ cần vượt qua mùa đông này".

 

Tuy nhiên, ông nêu rõ điều này còn phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách, chứ không phải các nhà khoa học. Ông cho rằng nước Anh cần phải chuyển cách tiếp cận sang dựa vào vắc xin và các mũi tăng cường để kiểm soát dịch COVID-19, bởi nguy cơ lớn nhất vẫn là chưa tiêm phòng. Chủ tịch JVCI tỏ ra thận trọng đối với việc Israel và Đức "bật đèn xanh" tiêm mũi tăng cường thứ hai cho tất cả những người trên 60 tuổi.

 

Ông nhận định trong tương lai, nước Anh cần tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương thông qua việc đảm bảo họ có thể tiếp cận các mũi vắc xin tăng cường và các phương pháp điều trị. Mặc dù người được tiêm mũi tăng cường sẽ có kháng thể mạnh vài tháng sau khi tiêm, song vẫn cần có thêm dữ liệu để đánh giá thời điểm và tần suất những người này cần tiêm bổ sung.

 

Ông lưu ý rằng việc điều chỉnh vắc xin sẽ không thể bắt kịp với cuộc chiến chống biến thể mới và biện pháp tiêm chủng 4-6 tháng/lần là không bền vững, do đó cần tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

 

Phát biểu của Giáo sư Pollard được đưa ra trong bối cảnh người dân các vùng England và Wales của Anh đã trở lại công sở sau thời gian nghỉ lễ và các trường học cũng bắt đầu mở cửa trở lại. Hiện có nhiều quan ngại rằng các doanh nghiệp và trường học sẽ phải đóng cửa do sự lây lan của biến thể Omicron.

 

Dự kiến các bộ trưởng Anh sẽ nhóm họp nhằm hoàn tất kế hoạch để duy trì hoạt động kinh tế, đảm bảo các trường học và bệnh viện tiếp tục vận hành thông qua việc đẩy nhanh công tác xét nghiệm cho 10 triệu nhân viên làm việc trong lĩnh vực thiết yếu.

 

Trong ngày 4/1, Pháp, Anh và Úc đều đã thông báo con số thống kê ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo sự lây lan tới "chóng mặt" của các ca nhiễm biến thể Omicron có thể dẫn tới sự phát sinh thêm nhiều biến thể mới khác nữa của virus SARS-CoV-2 gây bệnh này.

 

Cụ thể, Pháp đã xác nhận 270.000 ca mắc mới COVID-19, trong khi Anh có thêm 218.724 ca và Úc ghi nhận gần 47.738 ca mắc mới COVID-19. Đây đều là những con số thống kê cao nhất từ trước đến nay tại những nước này.

 

Theo giới chuyên gia, tỉ lệ tử vong và nhập viện do nhiễm biến thể Omicron trên toàn cầu đang có xu hướng giảm, qua đó thắp lên tia hy vọng rằng virus SARS-CoV-2 có thể tiến hóa thành một loại virus tương đối lành tính, gây bệnh theo mùa.

 

Tuy nhiên, Văn phòng của WHO phụ trách khu vực châu Âu ngày 4/1 đã đưa ra cảnh báo rằng tỉ lệ lây nhiễm tăng vọt có thể sẽ dẫn tới sự xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn. Bà Catherine Smallwood - một quan chức cấp cao thuộc văn phòng trên cho biết: "Khi Omicron càng lan rộng, biến thể này càng lây truyền nhiều hơn, được nhân bản nhiều hơn và qua đó gia tăng khả năng tạo ra một biến thể mới. Hiện Omicron có nguy cơ gây tử vong ít hơn so với biến thể Delta, song không ai dám chắc biến thể tiếp theo sẽ như thế nào".

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek