Trái Đất ngày càng nóng lên khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Nhận định trên của giới khoa học một lần nữa được chứng minh qua thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Christian Aid về các tổn thất mà 10 thảm họa thiên nhiên lớn nhất năm 2021 gây ra.
Theo số liệu của Christain Aid vừa được công bố, 10 thảm họa thiên nhiên lớn nhất năm 2021 đã khiến ít nhất 1.075 người thiệt mạng, hơn 1,3 triệu người phải sơ tán khỏi nơi cư trú và gây tổn thất khoảng 170 tỉ USD, cao hơn 20 tỉ USD so với năm 2020.
Cụ thể, cơn bão Ida càn quét nước Mỹ vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 đã gây lũ lớn tại New York và làm thiệt hại khoảng 65 tỉ USD - tổn thất lớn nhất do thiên tai tại Mỹ trong năm 2021.
Thảm họa gây thiệt hại vật chất nghiêm trọng thứ hai trên thế giới là trận lũ lớn tại châu Âu vào tháng 7, ảnh hưởng đến Đức, Bỉ và các quốc gia lân cận, gây tổn thất 43 tỉ USD.
Tiếp đến là cơn bão tuyết Uri tại Mỹ vào giữa tháng 2, gây tê liệt một phần đáng kể mạng lưới điện của bang Texas và gây thiệt hại 23 tỉ USD.
Bảy thảm họa còn lại được sắp xếp theo trật tự thời gian gồm trận lũ lụt ở Australia vào tháng 3 đã gây thiệt hại 2,1 tỉ USD; đợt giá lạnh ở Pháp cuối tháng 4 đã tàn phá những vườn nho nổi tiếng của nước này, làm tổn thất 5,6 tỉ USD; 2 trận bão lớn vào tháng 5 là bão Yass tấn công Ấn Độ và Bangladesh (gây thiệt hại 3 tỉ USD) và bão Tauktae tấn công Ấn Độ và Sri Lanka (gây tổn thất 1,5 tỉ USD); đến tháng 7, Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề khi vừa bị bão Infa tấn công gây tổn thất 7,2 tỉ USD và vừa chịu tác động của trận lũ lịch sử diễn ra ở tỉnh Hà Nam, gây tổn thất 17,6 tỉ USD; gần cuối năm, vào tháng 11, bang British Columbia ở Canada đã phải gánh chịu một trận lũ lớn, gây thiệt hại 7,5 tỉ USD.
Giữa tháng 12, công ty bảo hiểm Swiss Re công bố tổng thiệt hại ước tính do các thảm họa thiên nhiên gây ra trên toàn thế giới trong năm 2021 là khoảng 250 tỉ USD, tăng 24% so với năm 2020. Thống kê của Swiss Re cao hơn nhiều so với thống kê của tổ chức Christain Aid 70 tỉ USD.
Tuy nhiên, những thiệt hại được liệt kê nói trên là những tính toán của các hãng bảo hiểm. Những thảm họa được đánh giá là gây thiệt hại nặng nề nhất đều xảy ra ở các quốc gia giàu, với cơ sở hạ tầng phát triển và có chế độ bảo hiểm tốt hơn.
Christian Aid nhấn mạnh rằng “những thảm họa khắc nghiệt, thảm khốc nhất của năm 2021 thực tế xảy ra tại các quốc gia nghèo, vốn là những quốc gia có vai trò rất nhỏ trong việc làm Trái Đất nóng lên” và hầu hết là các quốc gia không có chế độ bảo hiểm đối với những tổn thất do thiên tai gây ra.
Theo Christain Aid, riêng tại Nam Sudan, các trận lũ lụt đã khiến 800.000 người dân nước này phải di dời khỏi nơi ở. Bên cạnh đó, các thiệt hại về kinh tế không thể đánh giá được.
Theo TTXVN/Vietnam+