Ngày 1/1, Chính phủ Brunei nhấn mạnh việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực cho thấy quyết tâm của khu vực trong việc duy trì thị trường mở và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương.
Thỏa thuận RCEP có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2022 với 6 thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cùng 4 nước ký kết ngoài ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Úc. Hàn Quốc sẽ tham gia triển khai hiệp định này từ ngày 1/2 tới.
Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei nhấn mạnh: "Việc RCEP có hiệu lực sẽ mở đường cho việc hình thành một khu vực thương mại tự do với quy mô, dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) là 2,3 tỉ người hoặc 30% dân số thế giới, đóng góp 25.800 tỉ USD hoặc khoảng 30% tổng sản phẩm GDP toàn cầu và chiếm 12.700 tỉ USD hoặc hơn 25% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, và 31% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu. Những con số này khiến RCEP trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại trong khu vực".
Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei cũng lưu ý rằng khi thế giới tiếp tục đối mặt với sự tàn phá kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, việc hiệp định RCEP có hiệu lực là biểu hiện mạnh mẽ cho quyết tâm của khu vực trong việc duy trì thị trường rộng mở; thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; hỗ trợ kinh tế mở cửa, tự do, hệ thống thương mại đa phương công bằng, bao trùm và dựa trên quy tắc, từ đó đóng góp vào các nỗ lực phục hồi sau khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu.
Theo TTXVN/Vietnam+