Cơ quan Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đánh giá, năm 2021, khu vực Mỹ Latin và Caribe đã ghi nhận tình trạng di cư kỷ lục, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo về người tị nạn do tác động của đại dịch COVID-19, nghèo đói, mất an ninh lương thực, bạo lực và tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, lượng người di cư ở nước này và khu vực Trung Mỹ được UNHCR mô tả là "chưa từng có" khi gần một triệu người trong khu vực đã phải rời bỏ nhà cửa vì thiếu cơ hội việc làm, bạo lực băng đảng, tội phạm có tổ chức, sự tàn phá của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng Mexico đã trở thành một quốc gia điểm đến, cũng như một quốc gia trung chuyển người di cư tìm đường đến Mỹ, với kỷ lục trên 100.000 đơn xin tị nạn vào năm 2021.
Trong khi đó, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cảnh báo về tình trạng di cư mất an toàn và không có kiểm soát sau thảm kịch di cư vào tháng 12 khi một xe tải chở người di cư bị lật ở Chiapas, Mexico, làm ít nhất 54 người di cư Trung Mỹ thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.
Đây là sự cố gây thương vong lớn nhất đối với người di cư ở Mexico kể từ năm 2014. Bên cạnh đó, sự sụp đổ kinh tế - xã hội của Venezuela là nguồn gốc của một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trên thế giới.
Cho đến nay, hơn 6 triệu người Venezuela đã phải rời bỏ nhà cửa và nhu cầu của những người tị nạn và di cư tại quốc gia Nam Mỹ này đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.
Vào cuối năm 2021, UNHCR và IOM đã khởi động một chiến dịch kêu gọi sự ủng hộ tài chính nhằm huy động quỹ trị giá 1,79 tỉ USD để tài trợ cho một kế hoạch khu vực nhằm hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng của người tị nạn và di cư Venezuela, cũng như tại 17 quốc gia ở khu vực Mỹ Latin và Caribe.
Trong bối cảnh khủng hoảng di cư tại châu lục, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thể thực hiện lời hứa của mình về các chính sách công bằng và nhân đạo đối với người di cư.
Chương trình tị nạn của Tổng thống Biden đã nâng giới hạn tiếp nhận người di cư cho năm 2021 từ 15.000 lên 62.500, nhưng chỉ tiếp nhận 11.411 người vào cuối năm ngoái, con số thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong suốt năm 2021, số người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột và bạo lực đã tăng lên mức kỷ lục.
Theo số liệu của UNHCR, tính đến tháng 11/2021, hơn 84 triệu người trên thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa.
Thêm vào đó, các đoàn người di cư cố gắng vượt qua các biên giới khác nhau từ Nam đến Bắc đã bị mắc kẹt tại những trại tị nạn không an toàn và không đảm bảo vệ sinh dịch tễ trước đại dịch COVID-19 và điều này tạo ra sự xung đột thường trực và nguy hiểm đối với hàng triệu người di cư.
Theo TTXVN/Vietnam+