Ngày 1/1/2022 đánh dấu Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới, chính thức có hiệu lực.
Trong thông cáo báo chí phát ngày 31/12, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong khẳng định việc RCEP có hiệu lực sẽ tạo động lực cho mối quan hệ thương mại kinh doanh giữa Singapore và các nước ký kết hiệp định.
Ông cho biết nhiều doanh nghiệp Singapore đã sẵn sàng tận dụng những lợi ích từ RCEP. Ông nhấn mạnh: “Việc RCEP có hiệu lực sau 1 năm được ký kết cho thấy quyết tâm và cam kết của khu vực về làm việc làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế vào thời điểm khó khăn hiện nay”.
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh, việc RCEP đi vào thực thi sẽ là “chất xúc tác” để mở rộng đầu tư và thương mại khu vực, vốn rất cần để phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
RCEP hiện là thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới, kết nối ASEAN và các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand.
Tổng thư ký ASEAN khẳng định RCEP củng cố xu hướng hội nhập kinh tế khu vực bằng cách mở rộng các quy định chung về nguồn gốc xuất xứ, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và gắn kết các quy định thương mại giúp môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và dễ đoán định hơn cho các doanh nghiệp.
Hiệp định RCEP với 15 nước thành viên sau khi có hiệu lực đầy đủ sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 26.200 tỉ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.
RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.
RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Theo TTXVN/Vietnam+