Thứ Năm, 23/01/2025 11:10 SA
Indonesia phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng
Thứ Ba, 28/12/2021 17:32 CH

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia ngày 17/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Indonesia ngày 28/12 cho biết nhà chức trách y tế nước này đang tiến hành truy vết tiếp xúc sau khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.

 

Phát biểu tại họp báo, bà Siti Nadia cho biết ca nhiễm đầu tiên nói trên là một người đàn ông 37 tuổi, ở TP Medan và đã đến một nhà hàng tại quận trung tâm ở thủ đô Jakarta đầu tháng này. Người đàn ông này không ra nước ngoài hay tiếp xúc với du khách nước ngoài trong thời gian gần đây. Người này không có triệu chứng mắc bệnh và đang được cách ly tại một bệnh viện ở thủ đô.

 

Đầu tháng 12 này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm các hướng dẫn y tế sau khi một nhân viên tại bệnh viện được dùng làm nơi cách ly ở Jakarta có xét nghiệm dương tính với Omicron. Giới chức y tế Indonesia cho biết đã có tổng cộng 47 ca được xác nhận nhiễm biến thể Omicron tại nước này, hầu hết là ca nhập cảnh.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng cường xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh, sau khi xét nghiệm sàng lọc sót một ca nhiễm biến thể Omicron tại địa điểm cách ly tập trung Wisma Atlet ở Jakarta. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết trước đây người nhập cảnh vào Indonesia được xét nghiệm PCR 3 lần. Hiện, số lần xét nghiệm bắt buộc là 3 lần trong quá trình cách ly bắt buộc.

 

Phát biểu họp báo ngày 27/12, ông Budi cho biết một công dân Indonesia nhập cảnh từ Anh có kết quả xét nghiệm dương tính lần một, âm tính lần hai và được cho phép về nhà tự cách ly. Tuy nhiên, 5 ngày sau, kết quả giải trình tự gene (WGS) cho thấy người này nhiễm biến thể Omicron. Hiện, Indonesia quy định công dân nước này và khách du lịch nhập cảnh phải cách ly 10 ngày tại các cơ sở lưu trú hoặc địa điểm cách ly được chỉ định.

 

Trong khi đó, Đan Mạch và Iceland ngày 27/12 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh khiến châu Âu trở thành điểm nóng dịch bệnh toàn cầu.

 

Trước khi xuất hiện biến thể Omicron, 2 quốc gia Bắc Âu này nằm trong số những nước có tỉ lệ lây nhiễm thấp nhất châu Âu. Theo thống kê của hãng tin AFP, trong 7 ngày qua châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất. 5 quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới trong tuần qua đều là các quốc gia ở châu Âu. 

 

Đan Mạch ghi nhận 16.164 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày tại nước này vượt ngưỡng 15.000 ca. Hiện tỉ lệ lây nhiễm tại Đan Mạch - quốc gia với 5,8 triệu dân - ở mức cao nhất thế giới, với 1.612 ca/100.000 người. Trong khi đó, Iceland ghi nhận 672 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Từ khi dịch bùng phát cho đến giữa tháng 12 này, Iceland chưa từng ghi nhận quá 200 ca/ngày. 

 

CH Cyprus ngày 27/12 cũng ghi nhận 1.925 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Bộ trưởng Y tế nước này Michalis Hadipantelas cảnh báo khả năng áp đặt các biện pháp hạn chế mới.  Tại Na Uy, biến thể Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo ở thủ đô Oslo.

 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số ca nhiễm mới ghi nhận ngày 27/12 đã tăng 30%, lên 26.099 ca, mức tăng theo ngày cao nhất trong năm nay. Trước đó, trong tháng 12 này, số ca nhiễm mới theo ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ ở mức khoảng 20.000 ca trở xuống. Số ca nhiễm mới tăng mạnh trong bối cảnh giới chức y tế Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn những biến thể khác, đồng thời kêu gọi người dân thận trọng và tiêm liều vắc xin tăng cường. 

 

Trong khi đó, tại Mỹ, do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong đã tăng mạnh trong mùa đông này. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này đã ghi nhận trung bình hơn 176.000 ca nhiễm mới mỗi ngày; riêng ngày 27/12 ghi nhận gần 300.000 ca, mức cao nhất kể từ ngày 8/1 năm nay.

 

Hiện Mỹ cũng đang chứng kiến trung bình 1.200 ca tử vong mỗi ngày. Vào ngày 21/12 vừa qua, Mỹ ghi nhận 2.200 ca tử vong, mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ ngày 8/10. Theo dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, trong dịp lễ Giáng sinh vừa qua, hơn 69.000 người đã phải nhập viện vì COVID-19. Hiện Omicron đang dần thay thế Delta trở thành biến thể chủ đạo ở Mỹ.

 

Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc viên Molnupiravir của hãng dược Merck để điều trị bệnh COVID-19 cùng 2 loại vắc xin Covovax và Corbevax lần lượt của Viện Serum và hãng Biological E. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết 13 công ty của nước này được cấp phép sản xuất thuốc viên Molnupiravir dùng trong điều trị người trưởng thành mắc COVID-19.

 

Trước đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin một ủy ban chuyên gia, thuộc Cơ quan giám sát tiêu chuẩn thuốc trung ương, đã khuyến nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc Molnupiravir cùng các loại vắc xin Covovax và Corbevax.

 

Đầu năm nay, các công ty dược của Ấn Độ gồm Aurobindo Pharma, Cipla, Sun Pharmaceuticals và một số công ty khác đã ký với hãng dược phẩm Merck thỏa thuận tự nguyện cho phép sản xuất và cung cấp thuốc Molnupiravir ở Ấn Độ.

 

Tuần trước, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir trong điều trị các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa ở độ tuổi trưởng thành. Hiện, Ấn Độ cũng đang nỗ lực tăng nguồn cung oxy và cơ sở vật chất y tế để kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

 

Ấn Độ đã tiêm được 1,43 tỉ liều vắc xin phòng COVID-19, với hơn 839 triệu người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Nước này dự định bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu từ ngày 10/1/2022 và mở rộng chiến dịch tiêm phòng ra độ tuổi từ 15-18 từ ngày 3/1.

 

Các chuyên gia y tế cho rằng Ấn Độ cần tăng gấp đôi nỗ lực triển khai các chiến dịch tiêm phòng và một số bang tại nước này đã áp dụng các lệnh giới nghiêm ban đêm cũng như một số biện pháp hạn chế khác đề phòng nguy cơ dịch bệnh lan mạnh trong dịp nghỉ lễ cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek