Thứ Năm, 23/01/2025 12:01 CH
Dịch COVID-19: Thế giới ghi nhận hơn 281 triệu ca nhiễm
Thứ Ba, 28/12/2021 12:09 CH

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 28/12, thế giới đã ghi nhận 281.636.237 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 5.422.116 ca tử vong. Hiện có 250.858.345 ca đã bình phục. Trong số hơn 25,3 triệu ca đang điều trị, có 88.767 ca bệnh nặng.

 

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan khiến số ca COVID-19 tại một số nước tăng cao và nhiều nước siết chặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Bộ Y tế Israel cho biết số ca mắc mới ghi nhận ngày 27/12 tại nước này đã vượt 2.000 ca trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng và hiện đã chiếm 50% tổng số ca bệnh đang điều trị.

 

Chính phủ Israel đã yêu cầu các bệnh viện trên cả nước chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng quá tải do biến thể Omicron vẫn có nhiều dấu hiệu tiếp lan truyền, đặc biệt là trẻ em từ 5-11, đối tượng có tỉ lệ được tiêm phòng thấp nhất hiện nay. Các bệnh viện đã được lệnh bổ sung 300 giường bệnh, cộng thêm 40 giường chăm sóc tích cực.

 

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường các biện pháp khống chế sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng nhưng vẫn linh hoạt một số giải pháp để không ảnh hưởng quá lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

 

Trong bối cảnh số địa phương phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng ngày càng gia tăng, Chính phủ Nhật Bản đã đẩy mạnh biện pháp tầm soát để sớm phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của biến thể này.

 

Ngày 27/12, Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Nhật Bản Daishiro Yamagiwa cho biết chính phủ đã cấp phép xét nghiệm miễn phí tại khu vực lân cận với các địa phương đã xác định có ca nhiễm biến thể Omircon trong cộng đồng. Người dân tại các tỉnh giáp với Tokyo, Osaka, Kyoto, Fukuoka, Okinawa nếu cảm thấy nghi ngờ mắc COVID-19, sẽ được khuyến khích đến các cơ sở y tế để xét nghiệm PCR và toàn bộ chi phí xét nghiệm được nhà nước chi trả.

 

Theo Bộ trưởng Yamagiwa, trong khi thông tin về biến thể này còn quá ít thì việc thận trọng là hết sức cần thiết để tránh tối đa những rủi ro có thể xảy đến đối với cộng đồng. Riêng tại thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố cho biết người dân có thể đến bất cứ địa điểm nào trong số hơn 160 hiệu thuốc để được xét nghiệm miễn phí bằng phương pháp PCR hoặc phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên mà không cần đặt chỗ trước.

 

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Shigeyuki Goto cho biết từ ngày 28/12, chính sách kiểm soát những người tiếp xúc gần với ca nhiễm biến thể Omicron sẽ được nới lỏng một phần.

 

Các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm biến thể này trên chuyến bay sẽ được xác định là những hành khách ngồi cùng và ở hai hàng ghế ngay phía trước, phía sau, thay vì toàn bộ hành khách trên cùng chuyến bay đó. Quy định này giúp giảm bớt áp lực tâm lý cho người dân Nhật Bản trở về từ nước ngoài cũng như giảm gánh nặng tiếp nhận của các cơ sở cách ly tập trung.

 

Trong khi đó, Pháp đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào đúng dịp lễ Giáng sinh, khi số người mắc mới đã tăng rất mạnh trong tuần qua. Tuy nhiên, giới chức đã quyết định không thực hiện giãn cách xã hội, không giới nghiêm, không đóng cửa trường học..., thay vào đó, Pháp sẽ mở rộng và tăng cường một cách phù hợp các biện pháp đang được thực hiện.

 

Cụ thể, trong vòng 3 tuần kể từ ngày 3/1/2022, các sự kiện quy mô lớn sẽ chỉ được giới hạn ở mức 2.000 người trong nhà và 5.000 người ngoài trời. Các buổi hòa nhạc ngoài trời hoàn toàn bị cấm. Việc tiêu thụ đồ ăn và thức uống trong rạp hát, rạp chiếu phim và trên phương tiện giao thông (kể cả khi đi đường dài) cũng không được phép.

 

Tùy tình hình diễn biến dịch, lãnh đạo các địa phương có thể quyết định việc bắt buộc sử dụng khẩu trang khi ra ngoài hay không. Đối với các cơ quan, công sở hay công ty, doanh nghiệp, hình thức làm việc từ xa phải được áp dụng với mức tối thiểu là 3 ngày/tuần, thậm chí 4 ngày nếu như có thể sắp xếp được.

 

Ngày 27/12, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid xác nhận chính phủ nước này sẽ không đưa ra các biện pháp hạn chế mới ở vùng England cho đến trước Năm mới 2022. Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Javid cho biết giới chức y tế theo dõi số liệu về tình hình COVID-19 "trên cơ sở hàng ngày" nhưng các quy định chống dịch hiện tại sẽ không thay đổi trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Tuy nhiên, ông cũng nhận định người dân "duy trì thận trọng" khi đón Năm mới.

 

Ngày 27/12 cả nước Anh ghi nhận thêm 98.525 ca nhiễm COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên trên 12 triệu ca. Trước đó, vào hôm Giáng sinh 25/12, vùng England ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay với 113.628 trường hợp dương tính với COVID-19.

 

Chính phủ Ý đang xem xét việc rút ngắn thời gian cách ly đối với những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Theo quy định hiện nay, những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 phải tự cách ly trong 7 ngày nếu họ đã tiêm vắc xin và trong 10 ngày nếu họ chưa tiêm phòng.

 

Từ ngày 10/1 tới, thời gian giữa mũi thứ 2 và mũi tăng cường giảm từ 6 tháng, xuống còn 4 tháng. Giới chuyên gia Ý dự báo số ca COVID-19 tại nước này sẽ tăng trong tháng 1/2022 và nước này sẽ bắt đầu tiêm mũi vắc xin thứ 4 phòng COVID-19 cho người dân sớm nhất vào tháng 5/2022. 

 

Tương tự, tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này Mỹ thông báo giảm thời gian cách ly được khuyến nghị đối với những người mắc COVID-19 không triệu chứng từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. CDC Mỹ khuyến cáo sau thời gian cách ly 5 ngày nói trên, mọi người nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong 5 ngày tiếp theo để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

 

Ngoài ra, cơ quan này cũng cập nhật khuyến nghị về thời gian cách ly đối với những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, hoặc đã tiêm được 6 tháng liều vắc xin theo công nghệ mRNA thứ hai, hoặc hơn 2 tháng sau khi tiêm vắc xin của Johnson & Johnson loại một mũi.

 

Cụ thể, trong trường hợp những người này bị phơi nhiễm COVID-19, họ phải cách ly 5 ngày và sử dụng khẩu trang nghiêm ngặt trong 5 ngày tiếp theo. Đối với những người đã tiêm chủng và tiêm liều tăng cường, CDC Mỹ cho biết không cần phải cách ly, nhưng nên đeo khẩu trang trong 10 ngày sau khi bị phơi nhiễm.

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng hiện châu Mỹ tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất với 100,5 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 36% số ca bệnh trên toàn thế giới và 2,4 triệu trường hợp tử vong, chiếm 45% tổng số ca tử vong trên thế giới.

 

Trong khi đó, châu Mỹ bước vào tuần cuối cùng của năm 2021 với những lo ngại về sự tái bùng phát của làn sóng mới của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở khu vực này. Nhiều nước phải ban hành các biện pháp hạn chế tụ tập đông người đúng vào dịp hàng triệu gia đình đang háo hứng chuẩn bị chào đón Năm mới.

 

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu Mỹ tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 100,5 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 36% số ca bệnh trên toàn thế giới và 2,4 triệu trường hợp tử vong, chiếm 45% tổng số ca tử vong trên thế giới.

 

Trong tuần qua, số ca nhiễm mới đã bất ngờ tăng mạnh tại nhiều nước, trong đó đáng chú ý là Argentina với số ca mắc trung bình khoảng 15.000 người/ngày và là con số cao nhất kể từ hồi tháng 8. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong lại có xu hướng giảm và đây được coi là tín hiệu tích cực, cho thấy tính hiệu quả của các chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đại trà mà chính phủ các nước đang triển khai.

Trong bối cảnh đó, giới chức y tế cảnh báo khả năng bùng phát của làn sóng dịch mới sẽ xuất hiện tại châu Mỹ trong năm 2022 khi đã có tới khoảng 20 quốc gia trong khu vực ghi nhận các trường hợp mắc biến thể Omicron của COVID-19 với khả năng lây lan nhanh hơn rất nhiều so với các biến thể trước đó.

 

Nhiều nước trong khu vực đã buộc phải siết chặt các biện pháp đối phó và kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Thậm chí một số hãng hàng không trong khu vực đã phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh lịch trình các chuyến bay trong dịp cuối năm này khi mà nhu cầu đi lại tăng cao trở lại.

 

Các chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó nhiều nước đã triển khai các mũi tiêm tăng cường cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

 

Một số nước như Cộng hòa Dominicana đã bắt đầu thực hiện việc tiêm mũi vắc xin thứ tư cho người dân sau khi phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng. Argentina cũng dự kiến sẽ áp dụng từ đầu năm 2022 thẻ ra vào dịch tễ đối với các hoạt động vui chơi giải trí tại các điểm công cộng đông người.

 

Trong khi đó, Chile cảnh báo hơn 1,6 triệu người dân nước này chưa tiêm mũi vắc xin tăng cường ngừa COVID-19 có thể sẽ bị áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nếu không hoàn tất mũi tiêm này trước ngày 1/1/2022.

 

Trước những lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron, nhiều nước cũng đã quyết định hủy các lễ hội đón Năm mới 2022 tại các điểm công cộng. Thậm chí Chính phủ Peru còn ra sắc lệnh cấm các cuộc hội họp gia đình và ban hành lệnh giới nghiêm trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng từ nay cho tới hết ngày 31/12.

 

Lãnh đạo các nước cũng kêu gọi người dân tăng cường ý thức tự phòng dịch, hạn chế tụ tập đông người để có thể đón một năm mới an toàn.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek